Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:25 (GMT +7)
OCOP - chuẩn hoá thương hiệu địa phương
Thứ 7, 25/02/2017 | 13:47:13 [GMT +7] A A
Nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ địa phương, từ năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gọi tắt là OCOP. Đồng thời Chương trình OCOP còn thực hiện việc nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế...
Hệ thống các sản phẩm, dịch vụ OCOP chia thành 6 nhóm sản phẩm (ngành hàng) gồm: Thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, trang trí - nội thất - lưu niệm, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 198 sản phẩm, trong đó có 121 sản phẩm được xếp hạng. Ông Ngô Tất Thắng, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban điều hành OCOP tỉnh chia sẻ, Chương trình OCOP được triển khai từ ý tưởng sản phẩm đến tổ chức sản xuất ngoài cánh đồng cho đến việc chế biến tại các cơ sở sản xuất và khâu cuối cùng là xúc tiến thương mại bán hàng, người nông dân đều nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ban điều hành chương trình OCOP. Từ đó khích lệ người nông dân hăng say sản xuất, đẩy mạnh kinh tế địa phương.
Người dân tìm hiểu mua sản phẩm nấm linh chi đóng gói của Công ty CP Nấm Thịnh Phát (Hoành Bồ) tại Hội chợ OCOP Xuân 2017. |
Cũng theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban điều hành OCOP tỉnh thì, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình. Bởi lẽ đó, người sản xuất phải ý thức rằng phát triển sản phẩm có chất lượng nhất theo quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để có hệ thống về quản lý, chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, nhiều hộ sản xuất đã được hướng dẫn, hỗ trợ phát triển lên thành các tổ chức kinh tế như: HTX, tổ hợp tác, công ty TNHH, công ty cổ phần... Đến nay, toàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 86 đơn vị HTX, doanh nghiệp. Phần lớn các mô hình kinh tế này đã phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cộng đồng và HTX được khuyến khích phát triển hơn cả, bởi lợi ích của người nông dân được phát huy tối đa. Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (Đông Triều). Với mô hình này, người nông dân cho HTX thuê đất, song song tham gia sản xuất hoa màu trên diện tích đó. HTX chịu trách nhiệm cung ứng vật tư và toàn bộ khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyên môn hoá từng công đoạn đã góp phần hình thành thói quen và nhu cầu ứng dụng KH&CN vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó thu nhập người lao động tăng lên. Hay Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (Cẩm Phả) đã liên kết sản xuất với hàng trăm hộ nông dân ở Tiên Yên, Bình Liêu. Các hộ nông dân được cung ứng toàn bộ giống cây trồng, vốn đầu tư được trả chậm hoặc khấu trừ vào sản phẩm. Ngoài ra, Công ty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đồng thời bao tiêu 100% sản phẩm tại các vùng liên kết sản xuất với giá cạnh tranh và ổn định trong thời gian ít nhất 3 năm. Như vậy, chất lượng sản phẩm được ổn định và phát triển hơn.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã thành lập được hệ thống tổ chức (Ban điều hành OCOP) ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng được kế hoạch tổng thể giai đoạn 1 (2013-2016); ban hành được Bộ công cụ quản lý chương trình (Chu trình phát triển, thủ tục pháp lý, cách thức hỗ trợ thành lập tổ chức kinh tế, lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP). Đặc biệt là, các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, Sở KH&CN, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 28 sản phẩm OCOP của tỉnh (5 nhãn hiệu chứng nhận; 20 nhãn hiệu tập thể; 3 nhãn hiệu thông thường). Cùng với đó, các cơ quan chức năng còn hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất về ghi nhãn hàng hoá, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Song song, các sản phẩm OCOP được hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại bán hàng thông qua Hội chợ OCOP vào các dịp lễ hội trong năm. Đồng thời, 10 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ nhân dân trong tỉnh, mà còn hấp dẫn cả du khách đến mua sắm và thưởng thức đặc sản của Quảng Ninh. Như vậy có thể thấy, những việc làm này đã góp phần vào nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Về lâu dài, chương trình OCOP vẫn đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất nhằm phát triển và giữ vững chất lượng sản phẩm OCOP đó chính là sự kiên trì, bền bỉ của các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trong việc tiếp tục hoàn thiện các bước theo chu trình OCOP đã đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 86 đơn vị HTX, doanh nghiệp. Phần lớn các mô hình kinh tế này đã phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cộng đồng và HTX được khuyến khích phát triển hơn cả, bởi lợi ích của người nông dân được phát huy tối đa. |
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()