Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:21 (GMT +7)
OCOP - Thương hiệu riêng có của Quảng Ninh
Thứ 5, 02/03/2017 | 06:14:39 [GMT +7] A A
Năm 2013 Quảng Ninh khởi động chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Là chương trình mới, chưa có tiền lệ, trong quá trình triển khai Quảng Ninh đã có cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, từ đó tạo ra sự lan toả, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất hàng hoá, phát triển các tổ chức sản xuất, cải thiện thu nhập cho nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Chương trình được tỉnh xác định là nội dung trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đóng gói sản phẩm miến dong Bình Liêu (sản phẩm OCOP) ở Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu. |
Sáng tạo, quyết liệt trong triển khai đề án
Mục tiêu của Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đây là mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, nên trong 3 năm đầu (2013-2016) tỉnh Quảng Ninh xác định là giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cụ thể, tỉnh làm tốt 3 khâu cơ bản là bộ máy, nguồn lực và chính sách. Trong đó bộ máy quản lý theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách, bao gồm cấp tỉnh có Ban Điều hành OCOP do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, lãnh đạo các sở, ngành làm thành viên và 4 tiểu ban giúp việc; cơ quan thường trực cấp tỉnh là Ban Xây dựng nông thôn mới. Cấp huyện có ban điều hành OCOP cấp huyện gắn với văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới. Tổ chức xây dựng và ban hành bộ công cụ quản lý chương trình OCOP; xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh, chu trình chuẩn OCOP thường niên và bộ tài liệu hướng dẫn triển khai chương trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP... là cơ sở pháp lý để điều hành chương trình OCOP. Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách lồng ghép cũng như dành riêng cho chương trình OCOP, như chính sách hỗ trợ lãi suất, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các điểm bán hàng, hỗ trợ xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tổ chức hội chợ OCOP hằng năm để xúc tiến thương mại... Cùng với đó khâu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và truyền thông cho đội ngũ những người làm chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn được tỉnh rất chú trọng. Tỉnh tổ chức cho cán bộ chủ chốt thực hiện chương trình nghiên cứu sâu các chuyên đề quốc tế về các phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan; đưa cán bộ cấp tỉnh, huyện, CEO các doanh nghiệp, HTX sang Thái Lan, Nhật Bản để học tập các phong trào OTOP, OVOP; tổ chức nhiều cuộc hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, làm rõ nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và hộ sản xuất về chương trình OCOP, kết hợp thực hiện tốt công tác truyền thông rộng rãi, thường xuyên, liên tục và theo chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là bước khởi đầu quan trọng để nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình OCOP đến đội ngũ cán bộ các cấp, các tổ chức sản xuất, người dân nhằm tạo nên phong trào phát triển sâu rộng.
Kích thích sản xuất hàng hoá và gia tăng giá trị sản phẩm
Có thể khẳng định, sau hơn 3 năm thực hiện đã cho thấy đây là một chương trình phát triển kinh tế mở, không đóng khuôn và có thể hóa giải các “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ninh. Bởi chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất vốn là người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ, từ đó không ngừng mở rộng và phát triển sản xuất. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại..., từ đó chắp cánh cho sự phát triển.
Với chương trình OCOP, mỗi tổ chức sản xuất đều tìm được cơ hội cho mình. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: “Thay vì phải mất đến vài năm, thậm chí là nhiều hơn để tiếp cận thị trường, nhưng nhờ chương trình OCOP đã rút ngắn còn 1/3. Thực tế tôi chưa thấy sức mua ở đâu tốt như tại Hội chợ OCOP của Quảng Ninh, doanh thu gấp 10-15 lần các hội chợ khác...”. Cũng từ hiệu ứng trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của chương trình OCOP đã giúp cho diện tích và sản lượng sản phẩm nếp cái hoa vàng của Hội Sản xuất và Kinh doanh nếp cái hoa vàng Yên Đức tăng gấp 4 lần, từ 20ha ban đầu lên 79ha hiện nay. Các sản phẩm dược liệu cao thiên đông và dầu xoa bóp long thiên huyết của Công ty TNHH Nam dược y võ (TP Uông Bí) từ chỗ thị trường tiêu thụ chỉ loanh quanh Uông Bí, nay đã có mặt trong cả nước; sản lượng tiêu thụ năm 2015 gấp 5 lần khi chưa tham gia chương trình OCOP, năm 2016 gấp 8 lần năm 2015... Mới đây nhất Công ty này đã chính thức làm việc với một đơn vị dược phẩm của Hàn Quốc để tiến tới “làm ăn lớn”, hợp tác lâu dài và quy mô lớn trên thị trường quốc tế. Điều này đủ cho thấy ý nghĩa, tác động, sức lan toả của chương trình OCOP trong sự phát triển của doanh nghiệp. Riêng với cơ sở sản xuất giò chả Quang Dần (TP Móng Cái), việc tham gia chương trình OCOP mang đến niềm vui và động lực mới, mạnh mẽ để người sản xuất vững vàng nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Anh Phạm Minh Huy, chủ cơ sở giò chả Quang Dần, cho biết: “Nhờ chương trình OCOP tôi đã bước đầu khắc phục được hạn chế về điều kiện địa lý để từng bước tiếp cận với thị trường các vùng trung tâm tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Hiện mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 7-10 tấn giò chả các loại”...
Chính nhờ sự tác động, lan toả của chương trình, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 210 sản phẩm OCOP do 180 tổ chức kinh tế sản xuất; trong đó có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, 65 sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Doanh số bán hàng OCOP trong 3 năm đạt gần 700 tỷ đồng. Tổng vốn pháp định của các tổ chức kinh tế sản xuất sản phẩm OCOP gần 120 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.200 người...
Việt Hoa
Để OCOP Quảng Ninh vươn xa Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Đặng Bá Bắc: “Thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân” Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Minh: “Tập trung xác lập quyền bảo hộ cho sản phẩm OCOP” Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Công Đãng: “Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng vùng sản xuất sản phẩm chủ lực” Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh Phạm Thị Thu Hiền: “Sản phẩm OCOP đã lan toả đến nhiều tỉnh, thành trong nước” Hoàng Nga (Thực hiện) |
Liên kết website
Ý kiến ()