Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố dự báo mới nhất về GDP toàn cầu 2023 với mức 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả "dưới trung bình", đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), trừ năm 2020 ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cùng với đó, OECD hạ dự báo tăng trưởng năm sau 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,7%. Clare Lombardelli, Kinh tế trưởng của OECD đánh giá lạm phát tiếp tục giảm nhưng kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng khó khăn. "Chúng ta đang đối mặt với thách thức kép là lạm phát và tăng trưởng thấp", ông nói hôm 19/9.
Tổ chức trụ sở Paris cho rằng rủi ro là dự báo đang nghiêng về phía tiêu cực, vì những đợt tăng lãi suất trong quá khứ có thể tác động mạnh hơn dự kiến và lạm phát nguy cơ dai dẳng, đòi hỏi siết chặt tiền tệ hơn nữa. Họ xem những khó khăn của Trung Quốc là "rủi ro chính" với sản lượng toàn thế giới.
Theo OECD, sau khởi đầu năm 2023 mạnh mẽ hơn mong đợi - nhờ giá năng lượng giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại - tăng trưởng toàn cầu giờ dự kiến ở mức vừa phải. "Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ ngày càng rõ ràng, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút, sự phục hồi ở Trung Quốc cũng phai dần", tổ chức nhận định.
Với triển vọng khu vực và các nước, OECD hạ dự báo tăng trưởng eurozone năm nay và năm sau, lần lượt còn 0,6% và 1,1%. Họ dự đoán mức giảm 0,2% ở Đức năm nay, khiến nước này trở thành quốc gia G20 duy nhất (trừ Argentina) suy thoái. Tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại còn 1,3% vào 2024, từ mức 2,2% năm nay.
Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm sau cũng bị hạ xuống 4,6% do nhu cầu trong nước giảm và căng thẳng trên thị trường bất động sản. OECD cho rằng phạm vi hỗ trợ chính sách ở nước này khả năng hạn chế hơn so với trước đây. Tốc độ tăng GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới 2023 có thể đạt 5,1%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của OECD.
Tổ chức khuyến nghị các chính phủ không nên can thiệp bằng chi tiêu bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng. Thay vào đó, nên thu hẹp hỗ trợ để tạo điều kiện cho việc tái đầu tư trong tương lai và tránh kích thích lạm phát.
Với các ngân hàng trung ương, triển vọng ảm đạm tiếp tục đặt thách thức cho họ khi cuộc chiến chống lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế và các chính trị gia lo ngại rằng hoạt động kinh doanh ngày càng bị bóp nghẹt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào tuần trước, mặc dù họ báo hiệu rằng có thể đã đạt đến đỉnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến không thay đổi lãi suất vào ngày thứ tư (20/9).
OECD cảnh báo không nên nới lỏng tiền tệ, do lạm phát cơ bản vẫn còn dai dẳng ở nhiều quốc gia, ngay cả khi chỉ số lạm phát chung có giảm. Theo tổ chức này, không có nhiều khả năng để cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm 2024. "Chính sách tiền tệ cần phải hạn chế cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản đã giảm bớt một cách lâu dài", OECD khuyến nghị.
Ý kiến ()