Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:09 (GMT +7)
Phát hiện mới về nhóm người dễ trở nặng khi mắc Covid-19
Thứ 7, 13/11/2021 | 10:47:51 [GMT +7] A A
Theo Reuters, nhóm chuyên gia nhận thấy nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng cao hơn ở những người bị ngưng thở khi ngủ hoặc vấn đề về hô hấp khác khiến lượng oxy giảm xuống trong giấc ngủ. Họ đã theo dõi 50.710 người có kết quả dương tính với nCoV tại Hệ thống Y tế Cleveland Clinic từ tháng 3 đến tháng 11/2020.
Ngoài ra, 5.402 bệnh nhân (độ tuổi trung bình là 56) cũng trải qua các nghiên cứu về giấc ngủ tại Cleveland Clinic ở bang Ohio, Florida. Kết quả cho thấy 1.935 trường hợp trong số đó có kết quả dương tính với nCoV, chiếm tỷ lệ gần 35%.
Trong số các bệnh nhân của nghiên cứu về giấc ngủ, 56% là phụ nữ, 60% là người da trắng và 31% là người da đen. Chỉ số BMI trung bình từ 34 đến 36. Hầu hết đều có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, hen suyễn hoặc tiểu đường.
Các đợt ngưng thở khi ngủ dẫn tới nồng độ oxy thấp hoặc thiếu oxy không làm tăng nguy cơ lây nhiễm nCoV của một người nào đó. Song, tình trạng thiếu oxy liên quan giấc ngủ khiến tỷ lệ F0 phải nhập viện hoặc tử vong cao hơn.
Nhóm tác giả viết: “Thiếu oxy làm tăng khả năng nhân lên của virus và tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi cho thấy tình trạng thiếu oxy liên quan giấc ngủ làm tăng khả năng mắc Covid-19. Nó có thể đóng vai trò nào đó khiến tình trạng của bệnh nhân tồi tệ hơn khi virus phát triển mạnh”.
Theo TS Cinthya Pena Orbea và TS Reena Mehra của Cleveland Clinic, họ vẫn chưa rõ phương pháp điều trị giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ như máy CPAP đẩy không khí vào đường thở của F0 có thể giảm nguy cơ trở nặng, tử vong hay không.
Theo Healthline, ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó, cơ thể ngưng thở hơn 10 giây hay giảm không khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Kèm theo OSA là triệu chứng ngủ ngáy, ngủ ngày quá mức.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ thống kê cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị ngưng thở khi ngủ ở mức độ nào đó. Chứng bệnh này phổ biến ở nam giới hơn nữ. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, hen xuyễn, tiểu đường, đột quỵ, đột tử trong đêm…
Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: Ngủ ngáy, mệt mỏi cả ngày, buồn ngủ vào ban ngày, thức dậy cảm thấy đau đầu...
Bệnh nhân có thể khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách: Giảm cân; bỏ hút thuốc, tránh rượu bia và các chất kích thích; tránh sử dụng thuốc an thần; tập thể dục thường xuyên; thay đổi tư thế ngủ.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()