Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:22 (GMT +7)
Phát huy giá trị cây trà hoa vàng
Thứ 7, 26/02/2022 | 11:10:38 [GMT +7] A A
Đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra phương hướng quyết tâm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Từ đó, huyện đã có nhiều hoạt động phát triển cây dược liệu mà trọng tâm là trà hoa vàng.
Cây dược liệu được phát triển theo hướng hàng hóa ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, KT-XH và thị trường, bảo vệ và nâng cao hiệu quả diện tích dược liệu hiện có, gắn với việc bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài dược liệu quý hiếm. Các xã, thị trấn làm tốt việc quy hoạch và phân vùng diện tích cây dược liệu phù hợp, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Ba Chẽ đã và đang trồng 72ha cây dược liệu, gồm trà hoa vàng, ba kích tím, cát sâm, được phân bổ phù hợp với từng xã, thị trấn. Huyện cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 trồng 500ha. Ngoài các cơ sở đã hoạt động lâu năm tại 2 xã Minh Cầm và Đạp Thanh, huyện đã xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu tại CCN Nam Sơn. Đồng thời xây dựng 1 vườn bảo tồn dược liệu tại xã Minh Cầm, 1 vườn mẫu trồng các loại dược liệu quý tại xã Nam Sơn.
Trà hoa vàng là cây dược liệu được đề cao nhất, hằng năm (nếu không vì dịch bệnh Covid-19) huyện Ba Chẽ đều mở Hội trà hoa vàng để tôn vinh loài cây này. Gần đây nhất, cuối tháng 12/2020, huyện Ba Chẽ đã tổ chức Hội trà hoa vàng lần thứ III. Tại Hội trà hoa vàng, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã công bố về công dụng của các hoạt chất có trong trà hoa vàng qua nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, để từ đó nâng tầm giá trị của trà hoa vàng, tạo niềm tin với người tiêu dùng, giúp cho việc tiêu thụ trà hoa vàng tốt hơn.
Năm 2017, để khẳng định và bảo vệ thương hiệu trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng số 307904 ngày 12/11/2018 theo Quyết định số 81118/QĐ-SHTT. Trong năm 2022, để phát triển trà hoa vàng một cách bền vững, huyện tập trung triển khai hoàn thiện sản phẩm trà hoa vàng, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia.
HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ đã cho ra mắt các sản phẩm từ trà hoa vàng như: Hoa, lá khô và những sản phẩm mới chưa có trên thị trường như bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận; đã có một số doanh nghiệp tại Hạ Long, Hà Nội biết đến và đặt vấn đề hợp tác, phân phối sản phẩm. Từ tính chất chống lão hóa, kháng khuẩn tốt của trà hoa vàng, HTX tiếp tục nghiên cứu, cho ra các sản phẩm mới từ trà hoa vàng trong lĩnh vực làm đẹp để có thêm thị trường và khách hàng trong lĩnh vực này.
Theo anh Hồ Ngọc Cường, cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội), trà hoa vàng không chỉ có ở Quảng Ninh, mà còn có ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Ninh Bình, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Tại Quảng Ninh, trà hoa vàng cũng có ở Hải Hà, Tiên Yên... Tuy nhiên, trà hoa vàng Ba Chẽ lại mang nhiều nét riêng về hương vị, bộ phận khác biệt dễ nhận thấy nhất là lá đài của trà hoa vàng Ba Chẽ có màu tím tía, trong khi trà hoa vàng các nơi khác là màu xanh. Do vậy, cần có cuộc nghiên cứu quy mô về khí hậu, môi trường tạo ra những nét khác biệt trà hoa vàng Ba Chẽ với các vùng miền khác, để từ đó khẳng định thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm của địa phương.
Như vậy, tuy đã có nhiều cuộc nghiên cứu về trà hoa vàng Ba Chẽ, nhưng vẫn chưa đủ và việc nghiên cứu về trà hoa vàng vẫn còn tiếp tục vì còn nhiều điều chúng ta chưa biết, để từ đó nâng cao hơn về giá trị của loài cây dược liệu đang được nhiều người quan tâm.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()