Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:53 (GMT +7)
Phát huy nguồn lực di tích lịch sử văn hóa
Thứ 4, 30/08/2023 | 23:12:39 [GMT +7] A A
Nguồn lực được hiểu là hệ thống các yếu tố vật thể và phi vật thể từ bên trong hoặc bên ngoài của thực thể tạo thành sức mạnh để phát triển thực thể ấy. Với cách hiểu như vậy, nguồn lực của phát triển văn hóa ở vùng Đông Nam Bộ bao gồm: Nguồn lực về vị thế thiên nhiên, nguồn lực về tài nguyên lịch sử, nguồn lực con người, nguồn lực về hệ thống tổ chức, nguồn lực về tài vật; nội lực trong tác động của ngoại lực. Các nguồn lực ấy có giá trị chung của đất nước và có bản sắc của vùng cần được nhận diện đầy đủ và phát huy tối đa.
Vấn đề đặt ra, nguồn lực di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước cần được nhận diện như thế nào và phải làm gì để phát huy giá trị trong không gian văn hóa và hệ giá trị văn hóa ở vùng động lực phát triển Đông Nam Bộ.
Nguồn lực văn hóa vùng Đông Nam Bộ
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 45 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh1. Chưa kể còn nhiều di tích khác đang được xem là tài sản quý của người Bình Phước. Hệ thống di tích văn hóa lịch sử này mang giá trị nguồn lực văn hóa quan trọng cần được chú trọng phát huy trong phát triển ở vùng Đông Nam Bộ. Nó thể hiện gần như đầy đủ các giá trị thuộc nguồn lực văn hóa ở Đông Nam Bộ cần phát huy.
Trong 45 di tích được xếp hạng, có 5 di tích mang giá trị thiên nhiên, là danh thắng tiêu biểu cho vùng đất đa dạng sinh thái Đông Nam Bộ (Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Bà Rá - Thác Mơ, thác Đứng, thác Đắk Mai 1, thác Voi/thác Liêng Rót); 7 di tích mang dấu ấn văn hóa của người xưa thời sơ sử (gồm các thành đất hình tròn Lộc Tấn 2, Long Hà 1, Long Hưng, Thuận Lợi 1, Thuận Phú 2, Tân Hưng 3 và Bãi Tiên); 7 di tích mang giá trị tài sản văn hóa cổ truyền (gồm các đình thần Hưng Long, Tân Khai, Tân Lập Phú, Thanh An và chùa Sóc Lớn, chùa Đức Bổn A Lan Nhã, chùa Đức Minh); 25 di tích lịch sử đấu tranh cách mạng (Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK96 thuộc đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 thuộc đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh-1973, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Mộ 3.000 người đồng bào An Lộc - Bình Long bị đế quốc Mỹ ném bom hủy diệt ngày 3-10-1972, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK99, Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng - xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25-10-1933, Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam 1973-1975, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp 16-3-1978, An Lộc “Nhà và đường hầm”, Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc, Miếu Bà Rá - dốc Cây Cầy, Địa điểm chiến thắng dốc 31, Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn 302, Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước, Trường Quốc Quang, Nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - ngụy tại cầu Đăk Lung, Két nước - Địa điểm Mỹ - ngụy sát hại đồng bào Làng 2 Đồn điền cao su Thuận Lợi năm 1965, Địa điểm ngụy quyền ném bom thảm sát dân thường tại chợ Lộc Ninh); có 1 di tích kiến trúc thời Pháp thuộc (Bệnh viện Lộc Ninh).
Qua giá trị của hệ thống di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước, có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Phước trong không gian văn hóa lịch sử vùng Đông Nam Bộ, vừa mang hình ảnh của toàn vùng vừa có nét riêng của một tỉnh “tiền tiêu” thuộc vùng. Phát huy được nguồn lực di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước cũng là sự đóng góp quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ theo định hướng phát triển.
Đẩy mạnh truyền thông và kết nối vùng
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã làm được nhiều điều: Định danh, lập hồ sơ, quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, quản lý, quảng bá, đầu tư phát triển, một vài di tích đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Còn nhiều điều cần phải suy tư ở góc nghĩ và tầm nhìn khoa học văn hóa cho phù hợp với yêu cầu phát triển và nhịp bước của thời đại.
Một là, xác định mục tiêu cho trúng và đúng. Mục tiêu phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa không chỉ đóng khung ở địa phương mà góp phần phát triển toàn vùng; không phải chỉ phục vụ thu hút du lịch mà quan trọng là giáo dục truyền thống, làm tăng giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh giàu đẹp của đất nước, của tỉnh nhà.
Hai là, kết nối liên vùng. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời rất chú trọng, thường hay nói về kết nối liên vùng để phát huy giá trị văn hóa lịch sử toàn vùng Đông Nam Bộ. Xưa, các vị tiền nhân và lực lượng cách mạng kết nối với nhau bằng tư duy liên vùng, không gian liên vùng nên mới có hệ thống di tích văn hóa lịch sử trong vùng như hiện nay. Nay, tư duy phát triển thường theo cách “quê em miền trung du”, đóng khung theo địa giới hành chính, lấy đường nhựa làm chuẩn nên cảm thấy các di tích văn hóa lịch sử rời rạc, riêng biệt, xa cách. Ví dụ, hệ thống các di tích lịch sử cách mạng ở Bình Phước liên quan rất mật thiết với các di tích đồng dạng ở Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai nhưng cách quản lý, hệ thống thông tin, tổ chức tham quan du lịch hiện còn nhiều trắc trở, chưa phát huy hết giá trị do quản lý hành chính của mỗi địa phương.
Ba là, di tích văn hóa lịch sử không tách rời đời sống văn hóa lịch sử. Di tích văn hóa lịch sử hiện nay đa phần tái hiện cơ sở vật chất theo cách trùng tu, tôn tạo; ít được tái hiện hoạt động văn hóa gắn liền với nó, thể hiện tinh hoa của nó. Ví dụ, khách tham quan tìm hiểu thường được thuyết minh về ngôi đình nhưng ít được biết tín ngưỡng dân gian về đình và lễ hội cúng đình.
Bốn là, phần lớn các di tích văn hóa lịch sử cách mạng chú trọng đến cơ sở vật chất của kháng chiến (cơ quan, căn cứ, hiện vật) nhưng ít tái hiện được đời sống kháng chiến, tri thức kháng chiến, nhất là các sáng tạo trong kháng chiến của nhân dân. Đã có nhiều sách, nhưng sách một nơi, di tích một nơi. Lời thuyết minh không đủ truyền tải hết giá trị của di tích. Hiếm thấy hoạt động trực quan như tải nước, tải đạn, nấu bếp Hoàng Cầm, qua sông… Mới đây, một người hỏi về lá trung quân, phóng viên truyền hình vác máy quay đi rất nhiều ngày, nhiều nơi, tốn nhiều tâm sức và thời gian mới ghi nhận được hình ảnh về lá trung quân trong kháng chiến, nhưng vẫn chưa đầy đủ.
Năm là, truyền thông. Truyền thông đa phương tiện đang thịnh hành, nhưng giá trị di tích văn hóa lịch sử được chuyển tải còn ít quá, chưa đồng bộ, chưa thỏa mãn nhu cầu, vì chưa có trang tin chung, phối hợp chung. Đặc biệt, các sản phẩm truyền thông Bình Phước và nhiều tỉnh, thành đều thực hiện tích cực nhưng còn thiếu sự tích hợp, chia sẻ chung.
Sáu là, sản phẩm. Sản phẩm để quảng bá và sản phẩm du lịch còn nghèo, thiếu sáng tạo, thiếu sức sống. Đặc biệt là các tour du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu liên thông, ít sức thu hút, còn nhiều bất tiện cho hệ thống giáo dục nhà trường.
Bảy là, hình thức thu hút du lịch. Khách đến du lịch, tham quan, tìm hiểu chủ yếu là được thuyết minh nghe nhìn. Cần hướng đến du lịch trải nghiệm để khách cảm nhận đầy đủ hơn về giá trị văn hóa, hoạt động văn hóa. Có lần, du khách về sóc Bom Bo, mong được trải nghiệm giã gạo theo lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Việc đáp ứng yêu cầu của du khách tưởng dễ mà khó: Chày còn, cối còn, nghệ nhân còn, nhưng thiếu lúa (vì ruộng lúa không còn), khó lắm mới vay được ở làng bên vài ký lúa, đủ giã một cối.
Tám là, ứng dụng khoa học - công nghệ. Khoa học - công nghệ thời 4.0 mở ra nhiều hướng cho việc phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử ở tất cả lĩnh vực tôn tạo, trùng tu, kết nối liên vùng, liên ngành, truyền thông, quản lý, chia sẻ chung; đặc biệt là sáng tạo sản phẩm văn hóa. Chỉ một việc nhỏ ở Bình Dương: Khi nghiên cứu địa danh trên địa bàn tỉnh, Ban nghiên cứu đề tài ứng dụng công nghệ định danh qua Google Map giúp việc tra khảo, tìm hiểu các địa danh di tích văn hóa lịch sử được chia sẻ chung, trở nên thuận tiện và hiệu quả.
Từ thực tiễn, việc phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước có thể rút ra được nhiều điều bổ ích cho việc phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển toàn vùng Đông Nam Bộ.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()