Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:20 (GMT +7)
Phát huy truyền thống "Kỷ luật, đồng tâm" xây dựng ngành Than là ngành kinh tế gương mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp
Thứ 5, 25/06/2015 | 13:30:52 [GMT +7] A A
Sáng 25/6 Đại hội đại biểu Đảng bộ Than Quảng Ninh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật (TP Hạ Long), phát biểu tại Đại hội Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật, đồng tâm” xây dựng ngành Than là ngành kinh tế gương mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp. Báo Quảng Ninh trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại đại hội. |
Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; Kế hoạch số 109 của Tỉnh ủy “Về đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng”, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành quá trình tổ chức đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở, tổ chức thành công các đại hội điểm Đảng bộ cấp huyện. Hôm nay, Đảng bộ Than Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ tư, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với hơn 19.000 đảng viên và trên 11 vạn cán bộ, công nhân viên ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Về dự với Đại hội hôm nay, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin gửi tới các đại biểu cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh và Tập đoàn Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc đại hội thành công tốt đẹp.
Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân cả nước, của tỉnh và ngành than. Suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế của đất nước đã khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động trong nhiều năm qua.
Song nhờ sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy đảng và Tập đoàn, sự đồng thuận, vượt qua khó khăn của cán bộ, đảng viên và người lao động, sự đổi mới, sáng tạo trong điều hành, sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu trong tình hình mới, Đảng bộ Than Quảng Ninh và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã ngày càng khẳng định rõ bước phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và đặc biệt góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, trật tự xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Sản lượng khai thác than giai đoạn 2010 - 2015, đạt 200 triệu tấn, tăng 5%, tiêu thụ than 183 triệu tấn; doanh thu than đạt trên 269 ngàn tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, thu nhập bình quân đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng, qua đó ổn định, nâng cao đời sống, việc làm cho trên 11 vạn cán bộ, công nhân ngành than trên địa bàn tỉnh.
Tổng vốn đầu tư của ngành than 5 năm qua ước đạt 110.040 tỷ đồng, tăng 36% đã góp phần lớn trong tổng đầu tư xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. Đóng góp 60% vào phát triển công nghiệp, 40% và GDP và nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đạt trên 68 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách tại Quảng Ninh đạt trên 60 ngàn tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 45% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh).
Là một đảng bộ đặc thù hoạt động theo Quy định số 287 của Ban Bí thư, Đảng bộ đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tập đoàn thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, kiểm tra, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên, với quy mô hơn 19.000 đảng viên. Nhiệm kỳ 2010-2015, hằng năm đã kết nạp 1.200 đảng viên mới, tỷ lệ đảng viên kết nạp mới đạt 6,56% so với tổng số đảng viên, tăng 1,56% so với Nghị quyết Đại hội lần thứ 3.
Có thể nói công tác phát triển đảng và giáo dục, tư tưởng đảng viên của Đảng bộ Than Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ của tỉnh, đồng thời góp phần lớn vào nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các đơn vị thành viên đã đầu tư xây dựng hoặc đóng góp hỗ trợ để xây dựng nhiều công trình văn hoá, thể thao và phúc lợi xã hội tại một số khu dân cư, đô thị góp phần nâng cao đời sống cho công nhân mỏ và nhân dân địa phương, nhất là tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ủng hộ tham gia trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thông qua việc hỗ trợ kinh phí đối với các huyện miền núi, khó khăn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng nhiều công trình nông thôn, miền múi và thu mua nông sản cho người nông dân…
Các hoạt động bảo trợ xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống các tệ nạn xã hội, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đã mang lại kết quả xã hội thiết thực. Đặc biệt là việc ủng hộ tỉnh 150 tỷ đồng đưa điện lưới ra đảo Cô Tô có ý nghĩa quốc phòng, an ninh quan trọng, 50 tỷ đồng để xây dựng công trình trạm dừng chân và công tỉnh tại Đông Triều và các công trình khác; tham gia các chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm thành lập tỉnh… và hỗ trợ kinh phí cho nhiều chương trình an sinh xã hội khác trên địa bàn tỉnh.
Trước những yêu cầu đổi mới, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã phối hợp với Đảng ủy Tập đoàn tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương thức và công tác quản lý, điều hành để tạo sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh chế biến xâu chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trên nên sản xuất than nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, giảm giá thành sản phẩm.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý và duy trì tốt trật tự trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh than. Đến nay các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép đã từng bước được chấn chỉnh kịp thời góp phần thực hiện bước đầu có hiệu quả Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quản lý, khai thác than trên địa bàn.
Bên cạnh đó chú trọng, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp hoàn nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý chống trôi, trượt các bãi thải, xử lý bụi, vệ sinh công nghiệp, hoàn chỉnh các tuyến vận tải than chuyên dụng bằng băng tải, phối hợp chặt chẽ với tỉnh đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động, đầu tư các công trình phúc lợi đảm bảo nhu cầu thiết yếu về bảo vệ sức khỏe, tinh thần đối với người lao động và người dân trên địa bàn.
Đảng bộ than Quảng Ninh đã có những chủ trương, biện pháp nâng cao vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và triển khai công tác xây dựng Đảng phù hợp tình hình thực tế của cơ quan, đảng bộ mình. Đảng bộ đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa 11 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Quyết liệt chỉ đạo đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2015 – 2017, thực hiện nhất thể hóa 100% chức danh bí thư chi bộ giữ chức vụ từ phó, trưởng phòng, phó quản đốc, quản đốc trở lên; trình độ, năng lực cán bộ tham gia cấp ủy cao hơn nhiệm kỳ trước.
Với những kết quả đạt được trên các mặt công tác, đã có nhiều tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều huân, huy chương các loại, cờ thi đua của Chính phủ, chiến sỹ thi đua toàn quốc,... những danh hiệu cao quý đó xứng đáng với truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng Mỏ.
Những kết quả đạt được của Đảng bộ và cán bộ đảng viên, công nhân viên ngành than Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành than trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh và công cuộc đổi mới.
Đạt được kết quả đó trước hết là do có chủ trương đúng đắn và sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước đối với ngành than; sự chủ động và phối hợp có hiệu quả với các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh; sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Than Quảng Ninh với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó của toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành than.
Thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và cán bộ, công nhân than Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong 5 năm vừa qua.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, cũng còn một số khuyết điểm, thiếu sót mà các đồng chí đã đề cập trong báo cáo chính trị. Tôi xin không nhắc lại mà chỉ nêu một số hạn chế cần khắc phục ngay, đó là công tác phòng chống tiêu cực trong ngành Than (như quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trong ranh giới quản lý của các mỏ; công tác quản lý xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật); công tác an toàn lao động còn phức tạp, công tác bảo vệ môi trường mới tập trung tại các mỏ đang khai thác, cần phối hợp chặt chẽ với Tỉnh trong giải quyết hậu quả môi trường do khai thác than lâu đời để lại, việc di chuyển Nhà máy sàng tuyển Nam Cầu Trắng chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của tỉnh vào năm 2015, trong đó có trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị các đồng chí cần xác định rõ nguyên nhân, nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Hiện nay, Quảng Ninh đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và cơ bản là tỉnh nông thôn mới trong năm 2015; đồng thời tập trung khai thác tốt những tiềm năng, cơ hội, lợi thế của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ công nghiệp. Đây là cơ cấu tích cực nhưng không dễ thực hiện. Cần tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế như Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Lượng khách đến tỉnh cao nhưng mức chi tiêu thấp. Dịch vụ du lịch chỉ đóng góp 5,2% ngân sách tỉnh. Tỉnh quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quảng Ninh cũng đang đứng trước nhiều thách thức và yêu cầu mới: Phải tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế, làm tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được các kết quả quan trọng và toàn diện: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 9,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,68 xuống còn 1,55%, tổng chi cho an sinh xã hội là hơn 4.600 tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2005 - 2010. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được phát huy. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án 25 và Nghị quyết số 19 về "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là điều kiện hết sức thuận lợi để cùng Đảng bộ, công nhân viên chức ngành Than phát huy truyền thống “Kỷ luật, đồng tâm”, nhanh chóng khẳng định vị thế của Ngành và đóng góp lớn vào tiến trình đổi mới, phát triển chung của tỉnh.
Do đó tại Đại hội này, tôi đề nghị các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân tích làm sâu sắc hơn nội dung các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Than Quảng Ninh lần thứ 4, đặc biệt là những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời nhận diện cụ thể những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn tới để làm rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá của Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới.
Bên cạnh đó, Đại hội cần tiếp tục phát huy dân chủ, dành thời gian thỏa đáng thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng vào Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 và các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ 12 để tổng hợp trí tuệ, nguyện vọng của hơn 11 vạn cán bộ, đảng viên, công nhân lao động của ngành Than tham gia, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh và đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Than Quảng Ninh đã đề cập một cách khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển trên các lĩnh vực cho 5 năm tới. Tôi đồng tình với các nội dung đã được đề cập trong Báo cáo chính trị trình Đại hội và gợi ý thêm một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ và giải pháp nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội sẽ quyết định:
Thứ nhất, cần khẳng định, mối quan hệ hữu cơ và vai trò động lực của Ngành than trong đời sống chính trị và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Sự ổn định, phát triển của ngành Than có tác động lớn và trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nhất là sự ổn định đời sống của trên 11 vạn cán bộ, công nhân lao động của ngành Than.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc và luôn luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị sản xuất than của Đảng bộ Than Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các đồng chí cần thấy rõ tầm quan trọng và trách nhiệm lớn đó để xây dựng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù về mô hình tổ chức Đảng hiện nay.
Trong đó, trọng tâm là xác định rõ nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường và cải thiện tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của công nhân mỏ.
Phối hợp tốt với Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục triển khai có hiệu quả các bước tiếp theo của Quyết định số 314 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh triển khai các mục tiêu, giải pháp theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, tiếp tục tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng đẩy mạnh thực hiện tốt việc quản trị tài nguyên, bảo vệ và khôi phục môi trường sinh thái, công tác quản lý tài nguyên trong và ngoài ranh giới mỏ nhằm duy trì trật tự trong khai thác tiêu thụ than theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Quan tâm thực hiện đầy đủ các cam kết giữa ngành Than với tỉnh Quảng Ninh về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng giám sát dấu hiệu vi phạm để sớm ngăn ngừa tiêu cực các lĩnh vực nhạy cảm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh than.
Đẩy mạnh các giải pháp, dự án xử lý ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra phù hợp với Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, nhất là sớm xây dựng, thực hiện giải pháp chấm dứt hoạt động Nhà máy sàng tuyển Nam Cầu Trắng vào năm 2018 mà tỉnh Tập đoàn đang tích cực triển khai. Tích cực chỉ đạo công tác an toàn, bảo hộ lao động; đề cao các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động.
Thứ ba, phối hợp với Đảng ủy Tập đoàn và các cơ quan chức năng của tỉnh báo cáo các Bộ, ban, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 60 về Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới, cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 235 tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh.
Phối hợp với tỉnh tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò, khai thác các dự án than, gia hạn các giấy phép đã hết hạn để sớm ổn định sản xuất trên địa bàn.
Thứ tư, Ban Chấp hành Đảng bộ Than Quảng Ninh cần phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên thường xuyên phối hợp với địa phương và các ban, ngành trong tỉnh nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát triển sản xuất than liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm của ngành Than với tỉnh trong công tác đào tạo lao động và tạo việc làm; tiếp tục đảm nhận xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng và tích cực tham gia vào Chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ngành than và tham gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo cho các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Thứ năm, tiếp tục duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng uỷ Than với Đảng ủy Tập đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, trong cuộc sống; chống tiêu cực trong ngành than. Tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng, vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các phong trào xã hội trên địa bàn.
Đề nghị Đảng ủy Tập đoàn phối hợp với Đảng ủy Than Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp một số tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng ủy Tập đoàn theo hướng các tổ chức Đảng cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Đảng ủy Than Quảng Ninh theo tinh thần Kết luận 47 ngày 06/5/2009 và Thông báo 108 ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc công ty tại các đơn vị thành viên theo Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất lộ trình thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND tại 50% xã, phường và 25% cấp huyện.
Tại Đại hội này, chúng ta còn có nhiệm vụ quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Than Quảng Ninh khóa 4, nhiệm kỳ 2015-2020, đề nghị Đại hội lựa chọn cơ cấu, nhân sự là những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng, có trí tuệ, năng lực và phẩm chất, là hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ và hơn 11 vạn cán bộ, đảng viên và công nhân lao động ngành Than nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ tư đề ra.
Tôi đề nghị các đại biểu trong khi nhấn mạnh tiêu chuẩn là chính, cần bảo đảm có sự hài hòa trong cơ cấu của ban chấp hành, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, các lĩnh vực và các vị trí công tác quan trọng; có tỉ lệ thích hợp các đồng chí trẻ, cán bộ nữ... có sự kết hợp giữa ba độ tuổi nhằm bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa của bộ máy lãnh đạo của ngành Than.
Tôi cũng đề nghị đại hội cân nhắc, lựa chọn những đồng chí tiêu biểu của Đảng bộ, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân ngành than để bầu vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian tới.
Trong những năm tới, nền kinh tế đất nước và sự phát triển của tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới trước yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng về kinh tế, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và thuận lợi mới, đồng thời sức ép về cạnh tranh và trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và đời sống của hơn 11 vạn cán bộ công nhân viên đang đặt ra cho ngành than những yêu cầu cao hơn.
Tôi tin tưởng rằng với truyền thống “Kỷ luật, đồng tâm”, sự năng động của tập thể cán bộ, đảng viên và công nhân viên ngành than, sự chung tay, sát cánh của các cơ quan trung ương và tỉnh Quảng Ninh, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mới để xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()