Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:22 (GMT +7)
Phát huy vai trò cầu nối của cộng tác viên dân số
Thứ 6, 03/06/2022 | 07:15:26 [GMT +7] A A
Được coi như cánh tay nối dài của ngành dân số, các cộng tác viên dân số được xem là “kênh thông tin” hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các pháp lệnh về dân số, giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ.
Hầu hết các cộng tác viên dân số đều là người địa phương, gần dân, sát cơ sở, hiểu được những phong tục, tập quán của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nên đã phát huy rõ nét vai trò của mình trong công tác truyền thông, vận động.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 1.500 cộng tác viên dân số hoạt động tại thôn, bản, khu phố. Với sự cố gắng, trách nhiệm, các cộng tác viên dân số là lực lượng nòng cốt, ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số.
Không những thế, họ còn giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... để đưa ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất cho từng đối tượng.
Chị Vũ Thị Huyền (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều) đã gắn bó với công tác dân số nhiều năm nay. Vừa là cán bộ y tế kiêm cộng tác viên dân số của thôn, gánh nhiều trách nhiệm cùng một lúc, nhưng chị Huyền không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Chị Huyền cho biết: Tôi đảm nhận cả vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của thôn, kiêm cán bộ y tế và cộng tác viên dân số, công việc khá nhiều, nhưng tôi đặt trách nhiệm lên hàng đầu, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để hoàn thành từng nội dung công việc. Trong vai trò là cộng tác viên dân số, tôi luôn bám sát địa bàn, thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đảm bảo hiệu quả việc tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ tới người dân, nhất là những đối tượng thuộc diện nguy cơ cao, những gia đình sinh con một bề…
Nhờ sự cần mẫn, trách nhiệm của chị Huyền, người dân trên địa bàn đều hiểu rất rõ, nắm chắc các chính sách, pháp luật về công tác DS-KHHGĐ. Đến nay thôn Đồng Ý đã không còn xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Các nội dung về chăm sóc SKSS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… cũng được chị Huyền tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, chị Huyền còn thường xuyên phối hợp với cán bộ dân số chuyên trách của xã tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình, vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
“Là một cộng tác viên dân số, tôi luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người để kịp thời tuyên truyền, vận động. Trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, tôi vẫn sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đến bà con, giúp họ tiếp cận với những thông tin cần thiết. Nhờ đó mọi người trong thôn đều nắm các kiến thức về SKSS, KHHGĐ rất đầy đủ, kịp thời.” - Chị Huyền chia sẻ thêm.
Có thể thấy, từ những buổi chia sẻ, tư vấn của cộng tác viên dân số về cách lựa chọn đúng biện pháp tránh thai, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi… người dân đã biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cũng như thực hiện tốt công tác dân số ở địa phương.
Để công tác dân số ngày càng đạt kết quả cao, hằng năm, ngành y tế - dân số cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nói chuyện chuyên đề cung cấp, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên dân số tại cơ sở, tạo điều kiện cho họ tiếp tục phát huy tốt vai trò, năng lực hoạt động, để có cách tuyên truyền hiệu quả, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân số.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()