Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 10:29 (GMT +7)
Phát huy vai trò của người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ 3, 26/11/2024 | 23:09:03 [GMT +7] A A
Theo đại biểu Quốc hội, người dân không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn tham gia vào quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này.
Nhận diện “bề nổi của tảng băng chìm”
Chiều 26/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, báo cáo công tác của Chính phủ đã đánh giá đúng mức kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Đại biểu nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tiếp tục đẩy mạnh đã không làm chững lại đà phát triển mà là phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố và nâng cao niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân.
Đánh giá những hạn chế, tồn tại, bất cập của công tác này mà báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra là thẳng thắn và đúng mức, tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ những báo cáo kỳ trước, mặc dù đã được tổ chức chỉ đạo khắc phục nhưng cũng chưa được triệt để.
Điển hình như việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, do đó đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác này.
Đại biểu cũng cho rằng, người dân không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn tham gia vào quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó công cụ quan trọng nhất là phản ánh và tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cho nên cần phát huy vai trò của người dân trong công tác này.
Bởi vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này.
Ngoài ra, cần đặt vấn đề nghiên cứu thí điểm các hình thức phản ánh, tố cáo tham nhũng qua điện thoại, đường dây nóng trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
Cũng đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng chỉ rõ, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt mong muốn. Nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn. Trong đó, tội phạm thường là những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền với người cần sự trợ giúp.
Từ đó, đại biểu cho rằng phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán khách quan, trung thực để phòng ngừa, để họ không dám, không lạm dụng, không tham. “Đó là ‘bề nổi của tảng băng chìm’ trong tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu nhấn mạnh.
Bày tỏ quan tâm đến vấn đề lãng phí, đại biểu phân tích, việc lãng phí xét thấy có thể bình thường vì là vô hình, ít được quan tâm, nhưng suy xét đến cùng, lãng phí có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng nếu có đánh giá đúng thực chất.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn về lãng phí để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này và đưa vào nghị quyết ở các cấp thẩm quyền để triển khai, tổ chức thực hiện.
Phát biểu góp ý về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đánh giá, trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh, cử tri rất đồng tình.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là vi phạm về quy hoạch xây dựng năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội tham ô tài sản tăng 45,61%.
Vấn đề này theo đại biểu cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, về đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư, qua đó giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này trong thời gian tới.
Khắc phục những sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, một số chủ trương trong chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa thành pháp luật…
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thống pháp luật, tạo sự thông thoáng để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Phải công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ý kiến thẩm tra đã chỉ ra.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025 xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()