Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:12 (GMT +7)
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo hiệu quả, bền vững
Thứ 5, 31/03/2022 | 07:45:09 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của ngành này đóng góp vào GRDP của tỉnh giai đoạn trước lại chưa tương xứng. Để thực sự đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã và đang định hướng, triển khai nhiều giải pháp tổng thể, chiến lược, đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao…
Hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong 24 mã ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 thì đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít, chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệ cao; hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số dự án đầu tư chưa cao, chưa có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, thương hiệu mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đóng vai trò động lực cho phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian qua; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương còn nhỏ. Hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, phần lớn là các dự án còn thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp…
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên than ngày một khan hiếm, cạn kiệt dần, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, ngành dịch vụ, du lịch rơi vào tình trạng “đóng băng” hơn bao giờ hết, Quảng Ninh cần định vị lại những lợi thế để phát huy đa dạng nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng, nguồn cung việc làm ổn định trong giai đoạn mới.
Do đó tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung thảo luận và ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về ưu tiên phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - Nghị quyết đầu tiên sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15% và tăng trưởng lên 30% vào năm 2030. Tính đến hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao gấp nhiều lần GRDP của cả nước (GRDP 2021 cả nước ước đạt 2,5%). Trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19% so cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm % trong tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP.
Để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022, Quảng Ninh dự kiến phát triển theo chiều sâu các KKT, KCN có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm; trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.
Cùng với đó là chú trọng phát triển các KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các KCN, KKT của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh.
Đồng thời, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh cũng xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đặc biệt, Quảng Ninh chú ý đến 4 giải pháp cốt lõi là: Quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện.
Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã bắt đầu thu về những “trái ngọt” đầu tiên trong hành trình đưa công nghiệp chế biến, chế tạo thành động lực mới trong phát triển KT-XH. Trong năm 2021 tỉnh đã thu hút được 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm 7 dự án FDI, với số vốn đầu tư đăng ký 935,025 triệu USD và 3 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đầu tư đăng ký 4.468 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 112 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư thu hút vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 đạt trên 28.700 tỷ đồng, gấp 3,59 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đạt trên 35.000 lao động. Công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 32,19% so với năm 2020, đóng góp 3,36 điểm % và chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP. Quý I/2022, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh vẫn ước tăng 7,45% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,4% trong GRDP…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()