Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:22 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng
Thứ 6, 11/02/2022 | 08:58:18 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế của cả nước ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên tại Quảng Ninh, năm 2021 GRDP vẫn tăng 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc, là năm thứ 6 liên tiếp đạt tăng trưởng 2 con số. Đóng góp vào kết quả này, có vai trò không nhỏ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây chính là động lực, niềm tin mới để Quảng Ninh bước vào giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt.
Nghị quyết khơi nguồn cho đột phá
Năm 2020, Quảng Ninh tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành dịch vụ du lịch - mũi nhọn kinh tế của tỉnh, bị ảnh hưởng nặng nề, nhiệm vụ tăng trưởng 2 con số gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã nhìn nhận, đánh giá tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để chuyển hướng phát triển và quyết định ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” - Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới.
Quan điểm của tỉnh là phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.
Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
Để công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển, Quảng Ninh đã tập trung vào đột phá trong thu hút vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đóng góp và thu hút lao động chất lượng cao vào lĩnh vực này… Từ đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai sớm quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn có và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… đón đầu sự chuyển dịch mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Từ tinh thần Nghị quyết, sự mạnh dạn đổi mới, quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp hiệu quả, phù hợp, sau hơn 1 năm thực hiện trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh, các chỉ tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trở thành trụ cột của nền kinh tế nói chung, của ngành công nghiệp nói riêng, với tốc độ giá trị tăng thêm năm 2021 đạt 33,7%, giá trị đóng góp GRDP đạt 28.905 tỷ đồng, thu hút thêm 13 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD. Đây cũng là nhân tố quan trọng để Quảng Ninh giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, đóng góp chung vào tăng trưởng của tỉnh.
Những tín hiệu vui đầu năm mới
Với cách làm bài bản, bước đi mạnh mẽ trong cơ cấu lại khu vực công nghiệp, kinh nghiệm phát triển phù hợp, hạ tầng được đầu tư tối ưu, năm 2022 Quảng Ninh sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tín hiệu vui trong tháng 1 khi chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,43% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng cao là vải dệt thoi từ sợi bông, sợi xe từ các loại sợi tự nhiên, màn hình tivi, loa điện tử, mũ thời trang...
Từ những ngày đầu năm 2022, tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam sau gần 4 tháng triển khai đầu tư kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký (tháng 9/2021). Tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Điện tử TONLY tiếp tục mở rộng đầu tư bằng việc triển khai dự án sản xuất loa, tai nghe và thiết bị điện tử với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), Công ty BW ký thỏa thuận đầu tư khu nhà xưởng xây sẵn với tổng diện tích 7,4ha để cho thuê lại. Trong đó, hạ tầng nhà xưởng sẽ hướng tới phát triển sản phẩm dành cho công nghiệp nhẹ và nhà kho hiện đại. Ngay sau khi các thủ tục pháp lý hoàn thành, BW sẽ chính thức đề nghị tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chủ động tìm kiếm đối tác cho thuê và là nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài đầu tiên vào KCN Bắc Tiền Phong.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar, cho biết: Quảng Ninh có nền công nghiệp chế biến, chế tạo trẻ, sở hữu hạ tầng giao thông thuận lợi, nhiều dư địa phát triển. Vì thế, sau khi khảo sát tại hơn 20 tỉnh, thành phố, hơn 30 KCN, phân tích và so sánh các yếu tố để phát triển, Jinko Solar đã quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai để đầu tư. Bởi vận hành sớm, đơn vị sẽ có cơ hội để tiếp tục mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội lĩnh vực này khi có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Đây cũng là lý do chỉ trong thời gian ngắn, Quảng Ninh đã ghi nhận được sự có mặt của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như Foxconn, Hyundai, Amata… với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Các thương hiệu lớn xuất hiện, không chỉ mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà đang tiếp tục lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư phụ trợ để hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong mỗi lĩnh vực.
Để tiếp tục khẳng định vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng ổn định, bền vững trong năm 2022, Quảng Ninh đang bám sát tình hình dịch bệnh, chủ động phòng, chống, để từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng và có tính đột phá; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, tổ chức các hội nghị gặp mặt định kỳ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp để có các giải pháp tháo gỡ.
Dù mới phát triển, nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo ở Quảng Ninh đã thực sự đột phá trong thời gian ngắn, dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhất là trong cung ứng nguyên liệu, vật liệu sản xuất, vận chuyển hàng hóa thành phẩm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng... Các nhà máy, phân xưởng trong các KKT, KCN của tỉnh đang hoạt động hết sức sôi động, thậm chí hết công suất, từ đó tăng thêm giá trị, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng, bù đắp lớn cho một số ngành, lĩnh vực kinh tế có chỉ số tăng trưởng âm.
Những tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm mới chính là động lực quan trọng để nghành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có sự tăng trưởng bứt phá, khẳng định niềm tin, hiệu quả của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẳng định quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược, tầm nhìn dài hạn của Quảng Ninh khi xác định phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực mới, quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()