Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:03 (GMT +7)
Phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ, bền vững
Thứ 5, 15/09/2022 | 08:57:23 [GMT +7] A A
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị chỉ đạo, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong. Đây cũng là mục tiêu Quảng Ninh đã và đang hướng tới trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
Lấy thành phố thông minh làm nòng cốt
Trước xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của tỉnh, ngay từ năm 2016, Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Mục tiêu của đề án là xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố, ứng dụng CNTT và các giải pháp đồng bộ vào các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống tươi đẹp, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.
Với lộ trình và bước đi thích hợp, Quảng Ninh đã xây dựng thành phố thông minh thông qua quá trình đổi mới không chỉ phương tiện, thiết bị mà quan trọng hơn là đổi mới quy trình, phương thức hợp tác và thay đổi thói quen của con người. Đặc biệt, tỉnh luôn quán triệt phương châm xây dựng thành phố thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng CNTT phải cải thiện và nâng cao tính tiện lợi hơn cho người dân. Người dân vừa là người thụ hưởng, cũng là người đóng góp, xây dựng, phát triển các dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi, cung cấp thông tin cho thành phố thông minh. Các ứng dụng CNTT phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường, cuộc sống tươi đẹp; thúc đẩy đổi mới và thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 TP Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh của Việt Nam; định hướng đến năm 2030 Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh, hiện đại đứng trong Top các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Từ những mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai 32 nhiệm vụ, dự án dựa theo các tiêu chí quốc tế về “mô hình thành phố thông minh” thể hiện trên các lĩnh vực: Y tế thông minh, Giáo dục thông minh, Du lịch thông minh, Giao thông thông minh, Tài nguyên môi trường thông minh và Xây dựng thông minh… Các dự án đã bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý, sẵn sàng hạ tầng nền tảng CNTT, cung cấp các tiện ích trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, nhiều ngành, lĩnh vực thuộc Đề án phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Ở lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã xây dựng được 1.432 phòng học thông minh, phòng học tương tác tại 89 trường học. Đồng thời bổ sung phần mềm quản lý giáo dục, xây dựng bài giảng, học liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, tạo được sự hứng thú học tập, tăng tư duy, sáng tạo cho học sinh và thuận lợi cho giáo viên trong công tác soạn bài.
Trong lĩnh vực y tế, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi), hướng tới tiêu chuẩn quốc tế đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý, điều hành, tổ chức khám, điều trị cho người bệnh. Các trang thiết bị, hệ thống được đầu tư đã được các bệnh viện sử dụng và khai thác tối đa hiệu suất, phát huy hiệu quả và đúng với các yêu cầu, quy định của Bộ Y tế. Theo đó: Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt mức 5/7, Bệnh viện Bãi Cháy đạt mức 5/7, Bệnh viện Sản Nhi đạt mức 6/7 theo tiêu chí đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế; 3/3 bệnh viện đã được Hội đồng thẩm định của Cục CNTT - Bộ Y tế cho phép không in phim trong quá trình khám bệnh (hiện tại cả 3 bệnh viện đã được Bộ cho phép triển khai bệnh án điện tử).
Ngành y tế cũng đã hiện đại hóa được công tác quản lý toàn ngành, xây dựng được nền tảng hạ tầng CNTT để phát triển đồng bộ và bền vững cho ngành; đảm bảo khả năng kết nối với các hệ thống thông tin của thành phố thông minh tỉnh. Đồng thời, tạo được mô hình chuẩn, đồng bộ trong toàn ngành để triển khai tiếp tại các đơn vị y tế khác thuộc Đề án thành phố thông minh; đảm bảo chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh và của ngành. Nhân dân cũng tiếp cận thông tin y tế dễ dàng, minh bạch, tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh thuận lợi; giảm được các thủ tục hành chính phiền hà, tiết kiệm tối đa thời gian thực hiện khám chữa bệnh và được đảm bảo tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về tài nguyên và môi trường, Quảng Ninh đã đầu tư, triển khai xây dựng 148 trạm quan trắc môi trường tự động (trong đó 19 trạm bằng nguồn ngân sách nhà nước, 128 trạm là các doanh nghiệp đầu tư) nhằm nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các dữ liệu về môi trường được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và cùng giám sát chất lượng môi trường, làm cơ sở để xử lý vi phạm hành chính những đơn vị vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững
Xây dựng thành phố thông minh là giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình triển khai các chủ trương, chỉ đạo của trung ương về phát triển đô thị. Đồng thời đây cũng là yêu cầu tất yếu từ thực tế bởi mặc dù trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị tại Quảng Ninh đã và đang đạt được nhiều thành quả tích cực nhưng cũng có một số tồn tại cần khắc phục. Thực tế cho thấy, hệ thống đô thị đã phát triển mạnh và được phân bổ tương đối hợp lý, diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại hơn, chất lượng hơn, đời sống của cộng đồng dân cư đô thị cũng ngày một nâng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại các đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, những bất cập lớn, đặc biệt trong đó là sự phát triển còn thiếu tính bền vững.
Cụ thể, hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó đã hoàn thành đề án công nhận TP Hạ Long là đô thị loại I; TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí là đô thị loại II; TX Đông Triều, TX Quảng Yên là đô thị loại III; thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Diện tích sàn nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 25,8m2/người, trong đó đô thị đạt 28,8m2/người và nông thôn đạt 20,5m2/người. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 56,6%; quy hoạch chung xây dựng các địa phương đạt 56,9%. Cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép. Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai thác than, khoáng sản gây ra, nhất là tại các đô thị.
Đặc biệt, các đô thị hạt nhân của Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong đó, TP Hạ Long từng bước trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2016 với định hướng chiến lược, tạo ra động lực, nguồn lực phát triển TP Hạ Long nhanh, bền vững hơn. Đặc biệt, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển để hướng tới khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của hai địa phương, phát huy mọi nguồn lực, làm hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; hoàn thành cầu Bắc Luân II và đường dẫn, cảng cạn ICD Km3+4... tạo thuận lợi thu hút phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, logistics gắn với cửa khẩu biên giới (tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 ước đạt 11.206 tỷ đồng, bình quân tăng 22,8%/năm).
TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. TP Uông Bí và TX Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh. Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, bổ sung quy hoạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vị trí thuận lợi đang trở thành hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây và của tỉnh; được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh dựa trên các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch chiến lược của tỉnh và bám sát vào những vấn đề mới được định hướng trong Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó hướng đến xây dựng, phát triển hệ thống các đô thị của tỉnh hiện đại, đồng bộ, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Quy hoạch không gian của Chương trình phát triển đô thị tỉnh được phân thành 3 vùng, gồm: Vùng đô thị Hạ Long (gồm TP Hạ Long, TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều, TP Cẩm Phả và lấy TP Hạ Long là trung tâm vùng); vùng đô thị Vân Đồn (gồm huyện Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ và lấy Vân Đồn là trung tâm vùng) và vùng đô thị Móng Cái (gồm TP Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu và lấy TP Móng Cái là trung tâm vùng).
Tại cuộc họp ngày 9/9 vừa qua, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành, sớm hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị trong tháng 9/2022 để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt trong tháng 10/2022. Đồng chí cũng khẳng định: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh và các địa phương cần phải cập nhật đầy đủ các quy hoạch đã được duyệt và được thống nhất xây dựng vào Chương trình phát triển đô thị nhằm đảm bảo đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; có lộ trình nâng loại các đô thị trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là đối với các xã có kế hoạch phát triển thành phường.
Thùy Linh
Liên kết website
Ý kiến ()