Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:32 (GMT +7)
Phát triển kinh tế bền vững: Nhiều giải pháp hiệu quả
Thứ 2, 18/03/2024 | 13:54:13 [GMT +7] A A
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ ở các địa phương trên địa bàn Quảng Ninh và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển KT-XH, giúp giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Những mô hình nổi bật
Gia đình ông Chu Văn Chử (thôn Đồng Tán, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ) là một trong những hộ mạnh dạn đi đầu chuyển đổi diện tích trồng các loại cây gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn kết hợp với trồng cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích hơn 6ha, mô hình tổng hợp của gia đình ông Chử chủ yếu là trồng giổi kết hợp trồng ba kích tím và các loài cây ăn quả như: Ổi ruột đỏ, ổi Đài Loan, xoài, hồng xiêm... Năm 2018, sau khi cùng với 30 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp của Ba Chẽ đến huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) để trao đổi, học tập kinh nghiệm về mô hình trồng cây giổi và nhận thấy giống cây này đem lại giá trị kinh tế, nên khi trở về, được sự hỗ trợ của địa phương, ông Chử đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng giổi.
Ông Chử chia sẻ: Cùng với quyết tâm chuyển hướng cây trồng sang trồng rừng gỗ lớn, mô hình tổng hợp của tôi đến nay đã cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả của mô hình, gia đình tôi cũng được hỗ trợ thêm một số giống gia cầm chăn nuôi dưới tán cây gỗ lớn để tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, từ đó nhiều bà con trên địa bàn cũng học tập và làm theo để nâng cao thu nhập.
Còn tại thôn Tân Hà (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà), chị Lý Thị Gái với quyết tâm thoát nghèo đã tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống. Nhận thấy chăn nuôi, trồng cây ăn quả phù hợp với đất đai, khí hậu nơi sinh sống, chị Gái đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển mô hình này. Năm 2017, được Chi hội phụ nữ thôn cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm của hội phụ nữ để mua con giống, cùng với sự kết nối, hỗ trợ của HTX Tuyền Hiền chuyên về nhân giống gà bản địa trên địa bàn và số vốn tích góp của gia đình, chị Gái đã cải tạo diện tích đất sản xuất, đầu tư xây dựng chuồng trại. Ban đầu là chăn nuôi với quy mô nhỏ, sau khi có vốn và thu được lãi, chị Gái tiếp tục mở rộng chuồng trại, nuôi gần 2.000 con gà bản Đầm Hà, nuôi hơn 40 con lợn và trồng thêm các loại cây ăn quả là cam, ổi trên diện tích đất đồi của gia đình.
Chị Gái cho biết: Nhờ có sự giúp đỡ về vốn, hỗ trợ về kỹ thuật trong chăn nuôi và liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX Tuyền Hiền, nên quá trình chăn nuôi đàn lợn, đàn gà của gia đình luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, đem lại thu nhập cao. Mỗi năm chúng tôi cung cấp ra thị trường hơn 3.000 con gà, 40-60 con lợn thịt, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 150-200 triệu đồng.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng NTM, vì thế các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tập trung nguồn lực cho phát triển
Xác định phát triển sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để giúp cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực giúp người dân phát triển sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, để tổ chức lại sản xuất, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại. Trong đó, tỉnh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh củng cố, phát triển HTX gắn chặt với chương trình OCOP, làm gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng bền vững.
Để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua đó, hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương.
Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, đã có một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trọng điểm. Đó là: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều của Tập đoàn Vingroup; dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty CP Phú Lâm; dự án mở rộng phát triển chăn nuôi của Công ty Thiên Thuận Tường; dự án sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà của Công ty BIM... Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà.
Với nhiều giải pháp hiệu quả, Quảng Ninh đã từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, giúp người dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Vân Anh
- Huyện Bình Liêu đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới
- Tiên Yên đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- “Tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, vững bước trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao”
- “Quả ngọt” trên hành trình xây dựng nông thôn mới
- Xây dựng nông thôn mới ở vùng đất khó Bình Liêu
- Ngày xuân trên những cánh đồng nông thôn mới
- Đầm Hà đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
- Quảng Yên nâng chất nông thôn mới
- Hiệu quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Liên kết website
Ý kiến ()