Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Thứ 2, 22/11/2021 | 08:39:57 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có rừng và đất rừng chiếm gần 70% diện tích tự nhiên. Ngay sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, Quảng Ninh một trong số ít địa phương trong cả nước ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững. Sau hai năm triển khai, Nghị quyết đã mang lại những kết quả quan trọng cho ngành lâm nghiệp tỉnh.
Trong hai năm qua, tỉnh đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm triển khai công tác phát triển lâm nghiệp theo định hướng của Nghị quyết 19. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện, như: Quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng; quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; quản lý động vật hoang dã và chim di cư; chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; phát triển rừng gỗ lớn; chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng…
Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Ngay trong năm đầu thực hiện chính sách, các địa phương được thụ hưởng là TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ đã được hỗ trợ 5,8 tỷ đồng cho 235 hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa với diện tích là 447 ha.
Song song với đó, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng rừng, đất rừng được triển khai bài bản. Trong 2 năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 202 vụ vi phạm các quy định về lâm nghiệp, trong đó, xử lý 190 vụ hành chính và 12 vụ xử lý hình sự.
Thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh đã chỉ đạo ngành, đơn vị, địa phương liên quan hoàn thiện việc rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật, công bố diễn biến rừng, đất rừng hàng năm theo quy định.
Xác định nhiệm vụ xây dựng hồ sơ quản lý, phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã phê duyệt đề cương dự án Kiểm kê rừng năm 2021 – 2022, trong năm tới, các đơn vị sẽ triển khai dự án cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng trên bản đồ và trên thực địa.
Về phát triển rừng, trong hai năm qua, toàn tỉnh đã trồng được 23.607 ha rừng tập trung. Trong đó, trồng rừng phòng hộ là 739 ha, trồng rừng sản xuất là 22.868 ha. Ngân sách đã hỗ trợ 26,9 tỷ đồng để thực hiện công tác khoán bảo vệ cho 79.960 lượt ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; làm giàu rừng cho 171 ha rừng ngập mặn tự nhiên.
Trước khi ban hành Nghị quyết 19, toàn tỉnh có 24.904 ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia để hình thành thêm 4 khu rừng đặc dụng gồm rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, khu bảo tồn Loài Sinh cảnh Quảng Nam Châu, rừng nghiên cứu khoa học tại Kiểm lâm Vùng I (TP Hạ Long), rừng bảo vệ cảnh quan tại thác Khe Vằn (huyện Bình Liêu). Đến nay, diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh là 48.035,1 ha.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng triển khai nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng khoa học để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, như: Điều tra, đánh giá các mô hình rừng trồng và đề xuất danh mục các loài cây bản địa cung cấp gỗ lớn có giá trị cao ở Quảng Ninh; xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng tỉnh Quảng Ninh; xây dựng mô hình rừng trồng chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng keo cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn, giá trị cao tại huyện Tiên Yên và Ba Chẽ...
Sau hai năm triển khai Nghị quyết 19, đến nay, giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, tăng gần 10% so với giai đoạn 2018-2019. Toàn tỉnh trồng được hơn 22.000 ha rừng tập trung; chăm sóc, bảo vệ tốt hơn 330.000 ha rừng hiện có; khai thác và tiêu thụ gần 830.000 m3 gỗ rừng trồng; thu nhập bình quân của lao động trên 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ che phủ rừng trên 55%.
Chất lượng rừng cơ bản đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp có hiệu quả cho phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp Quảng Ninh đã phát huy tốt vai trò phát triển ổn định kinh tế – xã hội cho người dân khu vực miền núi, ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()