Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:57 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Thứ 6, 15/04/2022 | 08:33:16 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch Quảng Ninh, nhất là khi ngành Du lịch bước vào giai đoạn cao điểm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bài toán nhân lực đang làm đau đầu các nhà quản lý cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, lượng khách đến Quảng Ninh tăng kỷ lục, công suất hoạt động của các phòng khách sạn, tàu du lịch và dịch vụ đi kèm đạt gần 100%. Tuy nhiên, vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều chủ tàu không thuê được thuyền trưởng lái tàu, nhân lực phục vụ trên tàu phải làm việc tập trung ở một tàu nhất định để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Một số khách sạn thực hiện phương châm “khéo co vừa ấm”, huy động và đào tạo nhân lực cấp tốc từ các bộ phận khác nhau để phục vụ du khách.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trước khi dịch bùng phát, du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Qua kết quả khảo sát, hiện nay lao động trực tiếp du lịch Quảng Ninh còn khoảng 16.000, như vậy gần 10.000 người đã bỏ việc. Phần lớn lao động bỏ việc là những người có chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ hiện đã có việc ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...
Vì vậy, ngay trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Du lịch đã thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh để duy trì lực lượng lao động du lịch. Trong năm 2021, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho 684 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ giảm phí 50% cho 126 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch với số tiền 48 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chủ động nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho nhân viên. Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Phó Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Ha Long Centre Hotel, cho biết: Để có chất lượng dịch vụ tốt, phải có một đội ngũ nhân lực tự tin, chuyên nghiệp, từ kinh nghiệm làm việc đến tinh thần, thái độ làm việc. Vì vậy, đơn vị tập trung đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ nhà hàng, gắn với nhu cầu thực tế ở từng bộ phận, để mỗi nhân viên đảm bảo chất lượng dịch vụ chuẩn 5 sao quốc tế. Bên cạnh đó, khuyến khích nhân viên học hỏi, tìm hiểu phát triển các kỹ năng phục vụ trong nhà hàng, khách sạn; truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhân viên.
Cùng với đó, các đơn vị cũng chủ động, tăng cường tuyển dụng, tận dụng tối đa nguồn lao động sẵn có trên địa bàn. Ông Đoàn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, cho biết: Chúng tôi tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để cho học sinh, học viên đến khách sạn thực tập, đào tạo trực tiếp trong môi trường thực tiễn. Từ đó, giúp các học viên được thực tập kỹ năng nghiệp vụ cũng như được rèn luyện kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử.
Hằng năm, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị tăng cường tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề, như: Hội thi đầu bếp, Hội thi bàn, bartender, buồng và lễ tân..., nhằm tạo cơ hội để đội ngũ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng nghề.
Về lâu dài, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1418/QĐ-UBND (ngày 4/7/2014) "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó, nhóm giải pháp về dự án xây dựng và bồi dưỡng nhân lực: Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng dự báo, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; xây dựng cơ sở đào tạo ngoại ngữ tại Quảng Ninh đạt chất lượng; tài trợ cho các khóa thực tập của học viên ngành du lịch. Theo đó, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, riêng với ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, tỉnh phấn đấu tổng số nhân lực tăng 15%/năm từ 29.000 người (năm 2013) lên 77.000 người (năm 2030).
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, để đạt được mục tiêu trên, Sở tham mưu cho tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực ngân sách thỏa đáng cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường ký kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Đồng thời, chú trọng liên kết “3 nhà” (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên, vừa tuyển chọn nhân lực chất lượng, vừa tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực có trình độ tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng chuyên nghiệp của ngành Du lịch.
Trước mắt, trong năm 2022, Sở Du lịch tiếp tục thu hút lao động tuyển dụng ngành Du lịch thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo để các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu; tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào thời vụ du lịch, thời điểm đông khách đảm bảo đúng chuyên ngành được học để giúp sinh viên dễ tiếp cận.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()