Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:09 (GMT +7)
Phát triển nóng khiến nông, thủy sản bế tắc đầu ra
Thứ 4, 20/12/2023 | 15:15:05 [GMT +7] A A
Câu chuyện tôm hùm ở Nam Trung Bộ và sầu riêng Tây Nguyên được mùa mất giá lại tiếp tục tái diễn khi vướng đầu ra xuất khẩu. Thực tế này buộc các bộ, ngành, địa phương cùng ngồi lại, xây dựng một chuỗi liên kết cũng như lập vùng quy hoạch, dự báo bền vững.
Đối tác ngừng nhập, vùng nuôi tôm hùm lao đao
Đầu tháng 12.2023, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh đề nghị quan tâm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ tôm hùm tỉnh Khánh Hòa. Nguyên nhân của thực trạng này là vì, phía Trung Quốc yêu cầu giấy tờ tôm nhân tạo (tức không phải khai thác tự nhiên) nhưng lại không nói là giấy tờ đó ai cung cấp, làm cho doanh nghiệp Việt Nam trở tay không kịp.
Trong giai đoạn cuối năm nay, sản lượng tôm hùm bông còn tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được ước lượng khoảng 150 tấn (kích cỡ từ 0,7 - 1kg/con), tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh (135 tấn) và thành phố Cam Ranh (15 tấn). Tôm hùm bông loại 1 (kích cỡ từ 1kg/con trở lên) hiện đang được thu mua với giá từ 1,25 -1,35 triệu đồng/1kg; tôm hùm bông loại 2, loại 3 có giá thu mua khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/1kg.
Ông Trần Tú Tuấn - người nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh - cho biết, trước đây tôm hùm bông có giá lên đến hơn 2,5 triệu đồng/kg thì nay, giá xuống dưới 1 triệu đồng/kg. Dù giá tôm rớt thê thảm nhưng vẫn không có người đến mua vì không xuất khẩu được.
Tình trạng được mùa mất giá không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa mà còn tái diễn ở khu vực Tây Nguyên. Anh Trần Nguyên Hồng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ mùa năm 2023 gia đình có lãi gần 3 tỉ đồng từ tiền bán sầu riêng. Tuy nhiên, anh Hồng và bà con nông dân trong vùng thực sự vẫn chưa thể yên tâm đầu tư, mở rộng vùng trồng bởi giá sầu riêng lên xuống thất thường, chịu nhiều sự chi phối từ thị trường nước ngoài.
Tương tự, một chủ doanh nghiệp nhỏ thu mua nông sản ở huyện Krông Pắk - chia sẻ: “Tôi mua khoảng 100 tấn sầu riêng từ vườn bà con với giá khoảng 70.000 đến 75.000 đồng/kg nhưng đến ngày hẹn giao hàng, chủ đại lý thu mua, xuất khẩu lại ép giá thấp hơn mức trên rất nhiều”.
Đâu là lời giải?
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk, hiện địa phương có diện tích trồng sầu riêng là hơn 22.500ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 11.000ha, cao nhất cả nước.
Trong vụ mùa 2023, người nông dân địa phương đã có thu nhập ở mức cao từ cây sầu riêng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng vẫn còn đó những hạn chế cần được xử lý dứt điểm để sầu riêng thực sự trở thành nông sản chủ lực của địa phương, có đầu ra ổn định, tránh phụ thuộc vào duy nhất một thị trường như hiện nay.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra khuyến cáo rằng: Sầu riêng Đắk Lắk phải cố gắng nhiều hơn nữa để được cơ quan chức năng có uy tín cấp bằng chứng nhận, đánh giá cao về chất lượng. Người nông dân không nên có suy nghĩ "ăn xổi" trồng sầu riêng một cách vội vã khi chưa nắm vững kỹ thuật, trồng ở khu vực đất, khí hậu không phù hợp…
Trong khi đó, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết, nuôi biển của Khánh Hòa có nhiều thuận lợi và đóng góp nhiều vào phát triển chung của tỉnh và đang mong muốn sẽ phát triển theo hướng nuôi trồng công nghệ cao.
Thế nhưng Khánh Hòa cũng đang gặp một số vấn đề, ví dụ hạn chế về diện tích mới để thu hút đầu tư và phải đẩy ra xa bờ, điều này sẽ đòi hỏi về chi phí và công nghệ. Bên cạnh đó là khó khăn trong sắp xếp lại vùng nuôi tôm hùm, làm sao để có được sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền để giảm mật độ hay đăng ký vị trí nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. Riêng đối với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()