Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:37 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Thứ 2, 31/07/2023 | 11:33:14 [GMT +7] A A
Thực tế KHCN đã và đang đóng góp vào việc chọn tạo cây, con giống mới; ứng dụng vào quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; ứng dụng trong thu hoạch, bảo quản nông phẩm… Gần đây, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp còn được nâng cao hơn với việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, thương mại điện tử bán sản phẩm nông nghiệp... Đây là cơ sở để hình thành nên những mô hình nông nghiệp hiện đại, giá trị cao của Quảng Ninh.
Những cánh rừng từ giống cây ghép
Bám sát mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, hướng tới những cánh rừng gỗ lớn, giá trị cao, từ năm 2020 các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT đã triển khai thí điểm trồng giống cây giổi, cây hồi ghép.
Cây giổi ăn hạt (Michelia tonkinensis) là cây gỗ lớn, thường xanh, có giá trị kinh tế cao, hạt giổi khô có giá 2-2,5 triệu đồng/kg. Thông thường việc trồng cây giổi gieo tạo từ hạt phải trên 10 năm mới cho quả. Còn cây giổi trồng bằng nguồn giống cây ghép (được tạo ra nhờ những tiến bộ trong chọn tạo giống) thì sau 3 năm có thể cho quả.
Tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), cây giổi ghép đã được người dân trồng thử nghiệm rồi nhân rộng với diện tích hàng chục ha. Qua triển khai thực tế cho thấy cây giổi ghép có ưu điểm là nhanh ra hoa, chỉ sau 3 năm trồng đã cho quả bói, từ năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Những hộ dân ở đây kỳ vọng ở năm thứ 5 trở lên cây giổi phát triển tốt, có thể cho thu 10kg hạt/cây/năm, theo đó giá trị mang lại rất cao. Cây giổi ghép tại Nam Sơn còn có đặc trưng là tán thấp, phân cành sớm, nên thuận tiện cho chăm sóc, thu hái.
Trên cơ sở thành công của cây giổi ghép, từ cuối năm 2022 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình cây hồi ghép. Đến nay, sau 8 tháng thực hiện mô hình, tỷ lệ sống của cây đạt trên 90%; chiều cao vút ngọn 80-120cm; đường kính gốc đạt 1,2-1,5cm. Cây giống hồi ghép có đặc điểm nhanh ra quả (năm thứ 3 sau khi trồng), phân cành thấp nên khắc phục được tình trạng cây cao khó thu hái. Cây được nhân giống bằng phương pháp vô tính (phương pháp ghép) nên giữ nguyên được đặc tính ưu trội của cây mẹ về năng suất quả, hình thái, hàm lượng, chất lượng tinh dầu. Giống cây này cũng có thể cho phép hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hồi theo hướng hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm hồi, tạo vùng nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc triển khai mô hình trồng hồi bằng giống hồi ghép rất có ý nghĩa. Bởi rừng trồng hồi hiện nay của một số địa phương phần lớn từ nguồn giống chưa qua chọn lọc và khảo nghiệm, cây giống chủ yếu gieo tạo từ hạt nên cây cao, khó thu hoạch. Các biện pháp kỹ thuật tác động không đồng bộ, rất ít hoặc không tác động chăm sóc nên năng suất ngày càng suy giảm; kết hợp với ảnh hưởng của tuổi cây, biến đổi khí hậu dẫn đến rừng hồi bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng tinh dầu không cao, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ưu điểm của 2 mô hình giổi, hồi ghép là còn có thể trồng xen với các loại cây dược liệu, đặc biệt là sa nhân tím. Việc trồng xen này mục đích lấy ngắn nuôi dài, tiết kiệm chi phí lao động, nhân công chăm sóc, tăng hệ số sử dụng trên đơn vị diện tích, phát triển kinh tế dưới tán rừng, thực hiện chủ trương theo Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Thực tế một số hộ dân xã Nam Sơn đã triển khai trồng xen cây giổi với sa nhân tím. Sau 8 tháng, tỷ lệ sống đạt trên 90%, chiều cao cây 70-100cm, đường kính cổ rễ 0,8-1cm, cây phân nhánh tối tiểu 3 nhánh cây con.
Mô hình nông nghiệp có hàm lượng KHCN cao
Mô hình trồng giống na QN-D1 được một số hộ dân thôn Giếng Đá, xã Tiền An (TX Quảng Yên) triển khai thí điểm từ năm 2020. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho bói quả, năng suất đạt 8-10 tấn/ha, trọng lượng trung bình đạt 500g/quả. Na QN-D1 có nguồn cây giống na dứa được nhân giống tại Đài Loan. Có ưu điểm là thịt quả chắc nên có khả năng bảo quản và chịu được vận chuyển xa; quả ít hạt, có mùi thơm đặc trưng; có thể rải vụ thu hoạch, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế cao.
Từ thành công của các hộ dân thôn Giếng Đá, hiện giống na QN-D1 đã được nhân rộng ra một số địa phương với diện tích trên 20ha. Mô hình này không chỉ giúp cải tạo được vườn na địa phương bằng cây trồng giống mới có năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp nông dân nhanh thu hồi vốn đầu tư.
Tại phường Ninh Dương (TP Móng Cái) và xã Đông Hải (huyện Tiên Yên), nhiều hộ dân đã triển khai mô hình nuôi tôm trong bể di động. Đây là mô hình được đánh giá mở ra cơ hội nuôi tôm ngay ở những địa hình vùng cao. Bể nuôi được thiết kế theo mô hình khép kín với hệ thống oxy, quạt nước, trụ bê tông, láng đáy, mái che, dây cáp... Qua đó có thể hạn chế tối đa việc tôm bị các loại côn trùng, hay một số loài động vật khác xâm hại. Việc lắp đặt bể di động cũng thuận tiện, không quá tốn kém. Khi thả nuôi tôm trong bể thì dễ quản lý, không bị phụ thuộc vào nguồn nước, vụ nuôi, giảm rủi ro, nhất là giảm thiểu được hội chứng tôm chết sớm EMS do hoại tử gan tụy cấp tính.
Qua triển khai thử nghiệm, các mô hình nuôi tôm trong bể tại Ninh Dương và Đông Hải có tỷ lệ sống 80%, cao hơn thông thường 5-10%, tôm sau nuôi 75-78 ngày đạt kích cỡ 60 con/kg, năng suất đạt 18,45 tấn/ha, có thể nuôi tăng từ 2 vụ lên 3 vụ/năm, giảm chi phí sản xuất về điện, nhân công, chế phẩm sinh học, hóa chất, giảm tỷ lệ rủi ro, từ đó tăng hiệu quả kinh tế 20-25%. Hiện nay, mô hình nuôi tôm trong bể di động đang được nhân rộng ở nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản trong toàn tỉnh.
Đặc biệt một số hộ đã tiếp tục cải tiến công nghệ, áp dụng nuôi tôm theo công nghệ 2, 3 giai đoạn có tác dụng sang thưa, giảm dần mật độ tôm nuôi ở mỗi giai đoạn, qua đó cho hiệu quả tương đối cao, năng suất vượt trội, đạt 18-20 tấn/ha.
Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi bò lai BBB (Blanc Bleu Belge) sinh sản khép kín an toàn dịch bệnh cũng được triển khai tại xã Tràng Lương (TX Đông Triều). Trọng tâm của mô hình này là phương pháp thụ tinh nhân tạo, giúp tăng cường tốc độ cải tiến di truyền. Sau 5 tháng nuôi, bò sinh trưởng, phát triển tốt; trọng lượng trung bình trên 300kg/con; tỷ lệ động dục và phối giống đạt 100%. Với mô hình này, dự kiến quý IV/2023 bò bắt đầu đẻ, kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Ngoài những mô hình kể trên, nhờ ứng dụng KHCN mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hiện đại khác, mang lại giá trị kinh tế cao. Sự tác động quan trọng của KHCN đã giúp cho Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm 5% GDP, song phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của địa phương đã trở thành điểm sáng trong cả nước những năm gần đây.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()