Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:01 (GMT +7)
Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP mới
Thứ 2, 30/01/2023 | 06:07:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực với sự chung sức của các ngành chức năng và sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, địa phương. Qua đó, đã góp phần phát triển thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh và từng bước đưa OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn nữa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Theo ghi nhận tại huyện Ba Chẽ, tới thời điểm hiện tại, huyện đang có 10 sản phẩm OCOP, trong đó đã có 5 sản phẩm đạt 4 sao. Đây là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp trong việc cùng nhau nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Theo lãnh đạo huyện, bắt đầu từ năm 2023, huyện sẽ định hướng phát triển thêm 6 sản phẩm mới và nâng cấp 1 sản phẩm lên 5 sao cấp quốc gia. Đó là các sản phẩm: Măng mai khô ở thôn Khe Giấy, xã Lương Mông; ổi Ba Chẽ thôn Đồng Quánh, xã Minh Cầm; mật ong ở thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm; thanh long ở thôn Nam Hải ngoài, xã Nam Sơn. Đây đều là các sản phẩm được xây dựng, phát triển dựa trên các đặc sản địa phương. Riêng đối với sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, sẽ được đơn vị tư vấn lập hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thẩm định, công nhận là sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Để có được kết quả đó, huyện Ba Chẽ đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm khuyến khích thành lập các tổ chức OCOP với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/doanh nghiệp thành lập mới. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí 250 triệu đồng hỗ trợ thành lập mới được 10 HTX theo quy định.
Không chỉ riêng tại huyện Ba Chẽ, thời gian qua, việc phát triển và nâng cấp các sản phẩm OCOP đều được các doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP đã tự chủ động “làm mới” cho sản phẩm của mình thông qua việc đầu tư các thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại, đổi mới bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua từng năm, các sản phẩm OCOP đều được đầu tư mạnh mẽ và các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia thi nâng sao cho sản phẩm OCOP. Đây là điều đáng mừng, bởi thông qua đó sẽ giúp cho Ban tổ chức đánh giá được việc đổi mới, nâng cấp chất lượng của sản phẩm và tìm được ra những sản phẩm OCOP mới, có tiềm năng để phát triển. Đồng thời, tạo ra sự yên tâm, uy tín với khách hàng khi sử dụng sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
HTX Sản xuất và Kinh doanh Huy Hoàng (TX Đông Triều) là một trong những doanh nghiệp phát triển các sản phẩm rượu tham gia chương trình OCOP. Thời gian qua, doanh nghiệp đã luôn chú trọng đầu tư, đổi mới cho các sản phẩm của mình. Đặc biệt, mới đây trong đợt thi nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP, HTX đã vinh dự có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao là Rượu trà hoa vàng và Rượu dâu tằm; 2 sản phẩm đạt 3 sao là Rượu sâm cau và Rượu Huy Hoàng.
Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng, cho biết: Với mục tiêu mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng nhất, HTX Huy Hoàng đã đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, đảm bảo VSATTP theo tiêu chuẩn ISO 22000. Đồng thời, HTX không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác để giới thiệu sản phẩm phục vụ khách trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện đổi mới sản phẩm hơn nữa để dần hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài, nâng tầm chất lượng đưa thương hiệu rượu quê hương vươn xa.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh đã có 67 sản phẩm mới tham gia chuơng trình OCOP, vượt 17 sản phẩm so với kế hoạch chỉ tiêu năm 2022; có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương, vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch. Cũng trong năm 2022, đã tổ chức xét chọn 7 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao của tỉnh Quảng Ninh trình Hội đồng trung ương đánh giá phân hạng sản phẩm cấp quốc gia của 6 đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, đã tiến hành đánh giá phân hạng 105 hồ sơ sản phẩm và chọn ra 100 sản phẩm đạt sao của 57 chủ thể sản xuất thuộc 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Hiện đã chọn được 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 76 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Như vậy, tính đến nay toàn tỉnh đã có 569 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao; 233 sản phẩm có quyết định tham gia Chương trình OCOP đang được hoàn thiện chờ đánh giá phân hạng sao. Hiện có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 246 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh có 219 đơn vị sản xuất, với 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ kinh doanh cá thể. Điều này cho thấy, việc phát triển các sản phẩm OCOP mới đang được các ngành chức năng, doanh nghiệp, địa phương chú trọng phát triển mới và hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()