Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:23 (GMT +7)
Phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn
Thứ 5, 02/11/2023 | 10:26:29 [GMT +7] A A
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Quảng Ninh đã phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư của tỉnh để xây dựng, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu của sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm nâng cao sự đồng đều về chất lượng với một số lượng sản phẩm lớn, nhằm chiếm lĩnh một thị trường nhất định; tạo điều kiện để sử dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để tăng năng suất lao động và năng suất đất đai; thực hiện sự phân công lao động tốt nhất, tận dụng những kinh nghiệm và kỹ năng cao nhất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho những người tham gia lao động…
Thực hiện các mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương với nhiều loại nông sản, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Trong đó có nhiều mô hình nổi bật như: Mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX Đông Triều với tổng diện tích 150ha; vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà với diện tích 348ha, sản lượng trên 31.520 tấn; vùng trồng hoa tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên với diện tích 451ha, sản lượng đạt 131 triệu bông; vùng trồng cây dong riềng tập trung tại Bình Liêu và Tiên Yên với diện tích 250ha, sản lượng ước đạt 10.875 tấn; vùng trồng chè tập trung tại huyện Đầm Hà, Hải Hà với diện tích 544ha, sản lượng ước đạt 3.690 tấn.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tập trung mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các vùng sản xuất lúa, rau, chè, vải, mãng cầu; chuyển đổi mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn theo chuỗi giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La… Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Bưu điện tỉnh hỗ trợ thông tin đưa các hộ sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử http://postmart.vn; phối hợp với Sở Công Thương cung cấp thông tin các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần hỗ trợ tiêu thụ, đồng thời cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản để tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; xây dựng phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản an toàn tỉnh Quảng Ninh” trên website hiển thị các chức năng của phần mềm hiển thị tại https://qn.check.net.vn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển Liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi. Hiện nay toàn tỉnh có 444 HTX nông nghiệp tổng hợp, tăng 34 HTX so với năm 2021; có 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tập trung phần lớn ở lĩnh vực tổng hợp, trồng trọt, thủy sản; có 119 THT và 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; có trên 20 trang trại. Các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt trên 1,547 tỷ đồng/trang trại, lợi nhuận 220 triệu đồng/trang trại/năm. Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập 87 HTX, THT, thành lập 119 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng kinh tế Bắc Bộ (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ HTX sản xuất thương mại và dịch vụ xã Húc Động (huyện Bình Liêu) tham gia Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Quảng Ninh.
Đến nay toàn tỉnh có 336/566 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh đạt từ 3-5 sao. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()