Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:11 (GMT +7)
Phát triển thủy sản bền vững
Thứ 4, 28/12/2022 | 09:02:48 [GMT +7] A A
Những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030" tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để ngành thủy sản phát huy tối đa lợi thế, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Với bờ biển dài 250km, diện tích mặt nước hơn 6.000km2, hơn 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều là điều kiện thuận lợi để thủy sản của Quảng Ninh phát triển. Hiện lĩnh vực này đóng góp gần 50% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động.
Ngành thủy sản của tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh, song đi kèm là những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, dành nguồn lực đầu tư để phát triển thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Tháng 9/2017, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh. Điểm nhấn là chuyển dịch cơ cấu khai thác theo hướng giảm phương thức đánh bắt tận thu, hủy diệt nguồn lợi; tăng các loại nghề có tính chọn lọc và thân thiện với môi trường.
Triển khai Chỉ thị số 18-CT/TU, công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, cơ sở, các sở, ban, ngành quan tâm thực hiện. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 17.778 đợt tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ NLTS cho 336.964 lượt người; phát hiện, xử lý trên 8.250 vụ vi phạm, thu phạt, nộp ngân sách nhà nước trên 48,46 tỷ đồng. Nhận thức của nhân dân về bảo vệ NLTS có sự chuyển biến tích cực, NLTS ven bờ của tỉnh có dấu hiệu phục hồi.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước nghiên cứu, ban hành quy định riêng về vật liệu nổi sử dụng trong NTTS. Theo đó, từ năm 2021, các loại vật liệu nổi sử dụng trong NTTS biển thiếu bền vững, không thân thiện với môi trường như phao xốp, tre nứa, gỗ tạp,... buộc phải thay thế bằng sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật tương đương HDPE.
Huyện Vân Đồn là địa phương có diện tích NTTS lớn nhất tỉnh. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển đổi sử dụng vật liệu nổi trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn huyện". Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện, 8 xã và thị trấn có NTTS đã đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Ngô Quốc Vượng cho biết: Đảng ủy xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong BTV Đảng ủy, BCH Đảng bộ và từng đảng viên phụ trách địa bàn dân cư, để vận động nhân dân ký cam kết, thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS đạt quy chuẩn theo quy định. Hiện xã đã chuyển đổi được 98%, phấn đấu hết năm 2022 chuyển đổi toàn bộ phao xốp sang phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Tỉnh đề ra chính sách chuyển hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản; tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ; tập trung nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Các địa phương khuyến khích chủ đầu tư nâng cấp, cải hoán, đóng mới các tàu để chuyển hoạt động khai thác từ vùng ven bờ sang vùng lộng và từ vùng lộng ra vùng khơi. Năm 2022, tàu vùng ven bờ đã giảm 1.273 tàu, tàu vùng khơi giảm 737 tàu, tàu vùng lộng tăng 16 tàu.
Phát huy những thành quả trong phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU sẽ tiếp tục tạo chuyển biến về ý thức, hành động, giải quyết hiệu quả mâu thuẫn giữa phát triển thủy sản song hành với bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TU, NTTS sẽ rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại diện tích, quy mô, đối tượng nuôi, tập trung phát triển ở vùng biển 6 hải lý trở ra, theo hướng công nghệ cao; tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về bảo vệ NLTS. Đồng thời sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch riêng về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2021-2030, tạo cơ sở để các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
Thu Uyên
Liên kết website
Ý kiến ()