Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:15 (GMT +7)
Phát triển vùng nguyên liệu Trà hoa vàng ở Ba Chẽ
Chủ nhật, 18/09/2022 | 08:43:34 [GMT +7] A A
Trà hoa vàng những năm qua đã trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu của huyện Ba Chẽ nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, được thị trường đánh giá cao. Vì thế, việc quan tâm tạo nguồn nguyên liệu, vùng trồng cho sản phẩm này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững.
Theo đánh giá, từ sản phẩm thảo dược mang lợi thế địa phương, trà hoa vàng dần trở thành một sản phẩm OCOP chất lượng, được quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo uy tín trong người tiêu dùng. Ngoài được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận, năm 2018, UBND tỉnh cũng phê duyệt đề tài khoa học Nghiên cứu thành phần, tác dụng của trà hoa vàng.
Điểm nhấn là trong Lễ hội Trà hoa vàng năm 2020 tại Ba Chẽ, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) đã công bố, nhấn mạnh về công dụng của các hoạt chất có trong trà hoa vàng qua nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.
Đồng thời, ở địa phương, các sản phẩm OCOP trà hoa vàng liên tục được đầu tư, nâng cao chất lượng sản lượng sản xuất, tiêu thụ. Theo đó, ngoài sản phẩm trà hoa vàng truyền thống, nhiều sản phẩm mới như: Bột mát-cha trà hoa vàng, sản phẩm trà túi lọc... cũng được đầu tư nghiên cứu, sáng tạo. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ, trang sắm máy sấy công nghệ cao và thiết bị phụ trợ để đạt tổng công suất 10 tấn hoa tươi/vụ 3 tháng thu hoạch... Theo thống kê, hiện sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20.000kg/năm, lá trà hoa vàng tươi 65.000kg/năm.
Với xu thế đó, trà hoa vàng đang dần trở thành sản phẩm thế mạnh, chủ lực cùng định hướng tiến tới sản phẩm OCOP 5 sao. Cùng với mong muốn khắc phục sự suy giảm, "chảy máu" thảo dược quý này, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã có nhiều cách làm thiết thực để xây dựng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ thúc đẩy sản phẩm OCOP chất lượng, phát triển bền vững. Vì vậy, từ giai đoạn 2015-2017, huyện đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung.
Để thúc đẩy hơn nữa dự án trồng cây trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống bằng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun mù, thoát nước; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân. Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trồng, huyện rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu... Nhờ đó, cho tới thời điểm này, tổng diện tích trồng trà hoa vàng của huyện đã đạt khoảng 200ha, với khoảng 100ha cho thu hoạch. Trong đó, trồng và cho thu hoạch nhiều nhất vẫn là ở Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh... Tới nay, diện tích trà hoa vàng đã cho thu hoạch lá và hoa chiếm khoảng 50%, doanh thu từ cây trà hoa vàng hàng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 20 tỷ đồng.
Lợi nhuận lớn, nhưng để mở rộng diện tích không hề dễ. Do chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch trên 5 năm nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư. Hơn nữa việc tìm nguồn giống tốt, chuẩn, để không phụ thuộc vào giống tự nhiên hoặc người dân tự tìm giống... cũng là một vấn đề. Khó khăn nữa là, trà hoa vàng Ba Chẽ đã đạt 4 sao OCOP, nhưng huyện chưa có nhà máy sơ chế, chế biến sâu...
Thời gian qua, Ba Chẽ đã có sự quan tâm về quy hoạch, thu hút đầu tư. Cụ thể, năm 2015, huyện đã xây dựng Quy hoạch Khu trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng (tại xã Đạp Thanh) và hiện đang giao Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh quản lý khu vườn ươm, xưởng chế biến trà. Mỗi năm, Công ty cung ứng được trên 200.000 cây giống trà hoa vàng các loại, chế biến 30 tấn lá và 10 tấn hoa tươi.
Đồng thời, huyện Ba Chẽ đã tích cực, chủ động kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhờ đó, đến nay, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp vào xây dựng xong dự án, quy hoạch chi tiết, dự kiến, sẽ nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()