Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:25 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước
Thứ 4, 16/03/2022 | 16:49:48 [GMT +7] A A
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng một số thành viên Chính phủ đã tham gia giải trình các vấn đề liên quan đến quản lý giá xăng dầu; phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm.
Xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đây là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để quản lý mặt hàng xăng dầu. Các công cụ pháp lý đủ điều kiện để quản lý chặt chẽ, ổn định, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu chúng ta chưa tự chủ được mà phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay nước ta mới có 2 nhà máy lọc hóa dầu là: Nhà máy Bình Sơn (cung ứng 35% - 7 triệu tấn xăng dầu/năm) đưa vào sản xuất từ năm 2009; và Nhà máy Nghi Sơn đưa vào sản xuất từ năm 2018. "Cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu/năm trong khi đó nhu cầu cỡ 20 – 21 triệu tấn/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng", Phó Thủ tướng phân tích.
Một vấn đề quan trọng nữa là bản thân nguồn dầu thô cho các nhà máy vẫn phải nhập khẩu. Dầu thô của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Dự trữ xăng dầu trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu như các quy định về điều hành, dự trữ. Dự trữ xăng dầu đến ngày 10/2 vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn, cùng với sản xuất trong tháng 2 khoảng 0,9 triệu tấn; cộng nhập khẩu thêm khoảng 0,9 triệu tấn là có 3 triệu tấn. Trong khi nhu cầu 1 tháng hiện nay khoảng 1,8 triệu tấn", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng nêu lên 2 vấn đề cử tri và doanh nghiệp rất quan tâm. Đó là có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng; thứ hai là giá tăng liên tục trong nhiều kỳ, cần làm rõ nguyên nhân để cử tri, nhân dân hiểu rõ.
Về giá xăng tăng cao, Phó Thủ tướng cho biết, Nhà máy Nghi Sơn sản lượng bị suy giảm; sự phối hợp giữa các kênh phân phối chưa tốt. Tỷ lệ cửa hàng đóng cửa nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, người dân lo ngại thiếu xăng dầu. "Dự trữ, nhập khẩu, sản xuất có khoảng 3 triệu tấn thì nguyên nhân chính là điều phối phối hợp giữa nhà phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3 với cửa hàng xăng dầu là có vấn đề. Cái này phải làm rõ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Chính phủ đã chỉ đạo Nhà máy Bình Sơn sản xuất tăng 105%, Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại, nhập khẩu cho quý II/2022 tăng thêm là 2,4 triệu m3. Dự trữ cũng đảm bảo đúng quy định.
Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ hiện có theo đúng quy định không. Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Trước hết, tính tới việc giảm phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng phải so sánh, tính toán việc ảnh hưởng tới sản xuất, lạm phát.
"Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp như sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm phí và có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát giảm thuế phù hợp. Cũng có thể giá còn tiếp tục tăng nên phải tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng, để đảm bảo sao cho sản xuất, giá thành ổn định. Ví dụ, nếu để giá xăng dầu tăng thì các công trường cũng sẽ bị chậm lại, công trình không thể triển khai nhanh được và phải bù giá. Tinh thần vừa điều hành trong cơ chế thị trường, nhưng vừa phải đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô và đời sống an sinh", Phó Thủ tướng nói.
Nói về giải pháp trong lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại Vũng Tàu.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Đối với vấn đề bán lẻ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, có thể có hiện tượng "ghim hàng", chờ bán kiếm lời chênh lệch. Chiết khấu bằng 0 sẽ không bán hàng ra, cùng với sự cố ở Nghi Sơn cũng là nguyên nhân. Theo Bộ trưởng, cần xác định được nguyên nhân tổng hợp thì mới có được giải pháp để khắc phục giá xăng cao như hiện nay.
Về dự trữ quốc gia, ông Phớc cũng cho rằng, do chưa tách bạch được nên cơ quan quản lý cũng không biết được việc dự trữ trong kho của thương nhân đầu mối thế nào.
"Đây cũng là lỗ hổng cần khắc phục, cần tách bạch hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Quỹ bình ổn giá lâu nay tính bằng tiền, Bộ Công Thương, Tài chính đang nghiên cứu, có thể tính bằng dự trữ hàng có được không, để có thể cung ứng hàng ngay", ông Phớc cho hay.
Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng, đầu vào không chỉ mặt hàng xăng dầu, mà nhiều mặt hàng khác như bằng thép, hóa chất đều phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt hàng dầu thô năm ngoái phải nhập gần 10 triệu tấn và năm nay dự kiến nhập khẩu trên 7 triệu tấn... Như vậy có nghĩa là chúng ta hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới.
Thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp, trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, chống buôn lậu xăng dầu và giảm thuế môi trường để đảm bảo cho vấn đề sản xuất kinh doanh và phát triển.
Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian gần đây gia tăng hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm... có xu hướng diễn biến rất phức tạp.
Hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh, chênh lệch ở mức cao.
Cùng với đó là xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng dầu, "găm hàng" chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ.
"Xăng dầu là vấn đề các đại biểu quan tâm, diễn biến hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả mặt hàng này vẫn còn rất phức tạp. Vừa qua, Bộ Công an nỗ lực đấu tranh vụ sản xuất xăng giả ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai...", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin và nhấn mạnh buôn lậu dẫn đến trốn thuế, giá xăng lậu chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho nhập khẩu chính thức, lại càng kích thích các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng giả.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp công tác.
Cụ thể là tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vàng, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và những vấn đề phức tạp nổi lên.
Bên cạnh đó, huy động tối đa lực lượng để tăng cường cho cơ sở, triển khai đồng bộ, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh, triệt phá.
Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với các ngành hàng vàng, xăng dầu, vật tư y tế… để kịp thời dự báo, nhận diện các vấn đề phức tạp nổi lên, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()