Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:17 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang 'chia lửa' với các tư lệnh ngành nội vụ, tư pháp
Thứ 3, 07/11/2023 | 22:05:49 [GMT +7] A A
Chốt phiên chất vấn về các vấn đề nội vụ và tư pháp chiều ngày 7/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đăng đàn trả lời làm rõ 4 nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp; xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; và khâu tổ chức thực hiện.
Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với phát biểu giải trình trước đó của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Qua Báo cáo trung tâm và các ý kiến của đại biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho rằng có hai từ được nhắc đến nhiều nhất trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là "chậm" và "chưa"; đồng thời nhận trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng phụ trách các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu tỉnh Bến Tre cho biết có đến hơn 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật đó có hiệu lực, Phó Thủ tướng nói: Chúng tôi xin nhận khuyết điểm rất lớn chỗ này và sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng mong các đại biểu chia sẻ với thực tế là có nhiều áp lực trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước hết, đó là việc xây dựng các nghị định, thông tư phải mang tính chuẩn mực, vừa kiểm soát được tình hình nhưng cũng vừa tạo điều kiện thông thoáng cho mọi việc được triển khai thông suốt; quá trình đánh giá tác động sau khi các chính sách được ban hành cũng cần nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, phải dồn rất nhiều công sức cho nhiệm vụ ưu tiên là sửa các nghị định, thông tư đang có hiệu lực nhưng còn bất cập, vướng mắc nên có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật theo quy định.
Phó Thủ tướng đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được quan tâm hơn, có tiến bộ hơn so với trước, trong đó số lượng các phiên họp chuyên đề về pháp luật của Chính phủ đã tăng lên gấp đôi so với nhiệm kỳ trước.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực, nguồn lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.
Trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được thực hiện trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành năm 2016 và được sửa đổi năm 2020, và các nghị định liên quan. Phó Thủ tướng cho rằng ngay trong những văn bản này cũng đang có những điểm cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu Quốc hội cùng tham gia quá trình đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung nêu trên để thiết lập chuẩn mực cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng hiện nay đây là vấn đề có tầm quan trọng rất đặc biệt, bởi đó vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho nhiều việc.
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành đều được sửa đổi, bổ sung, ban hành theo hướng này, với lý lẽ là chỉ có các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất cho mình vì luật, như Bộ trưởng Tư pháp phát biểu, có tính phổ quát nhất định, có khi nó hợp lý chỗ này nhưng chưa hợp lý chỗ khác; đồng thời phân cấp cũng sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc phân cấp còn khó khăn, vướng mắc do xung đột với những quy định của luật chuyên ngành, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung đồng bộ; còn tình trạng có cơ quan, đơn vị chưa muốn phân cấp; còn có ý kiến lo ngại về năng lực thực hiện của cấp cơ sở khi được phân cấp.
Về năng lực của cấp cơ sở, Phó Thủ tướng nêu ví dụ Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội cho thực hiện cơ chế thí điểm trộn vốn của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (thí điểm tại mỗi địa phương một huyện) nhưng đã có những ý kiến phản hồi là anh em ở cấp huyện đang rất lo lắng vì không biết có thực hiện được không.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ phân cấp mạnh nhưng có thứ tự ưu tiên, kết hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, giám sát và tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn với chuyển đổi số.
Về hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ này để đến ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ có thể ban hành được Nghị định 73/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, về vấn đề "bảo vệ" thì còn vướng các quy định hiện hành.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề khó, nên trước hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải xem xét thấu đáo, có trách nhiệm những khuyến điểm, hạn chế, vi phạm của cán bộ của mình, xét đến động cơ, phạm vi, tâm thế, đóng góp cho cái chung trước khi đề xuất theo thẩm quyền phương án xử lý lên cơ quan có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ, cùng đồng hành trong đề xuất sửa đổi một số điều trong một số văn bản luật.
Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng đây vẫn là khâu yếu. Để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và chấn chỉnh, xử lý những vi phạm.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 26 đoàn do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn đi khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố để xem cơ sở đang vướng những gì. Qua đợt khảo sát đầu tiên, đã tổng hợp được 513 vướng mắc của các địa phương, hiện đang cố gắng xử lý.
Kết thúc phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn các ý kiến rất có giá trị của các vị đại biểu Quốc hội và mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành để khối Chính phủ và các bộ, ngành trong lĩnh vực nội chính và tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đánh giá về phần trả lời chất vất của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phần trả lời của Phó Thủ tướng "rất chính xác về giờ và rất khúc triết"./.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()