Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:54 (GMT +7)
Phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau mưa lụt
Thứ 6, 07/08/2015 | 06:33:03 [GMT +7] A A
Đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương, ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh; ước tính tổng giá trị thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng, chưa kể còn làm nhiều người bị thương vong.
Điều đáng nói nữa là nó đã gây ra hậu quả ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều khu dân cư, mặt bằng sản xuất, khai trường, hầm mỏ của ngành Than; kéo theo hàng vạn mét khối bùn đất, cát sỏi vùi lấp nhà cửa, vườn tược, ao hồ, đồng ruộng, sông suối; làm chết nhiều gia súc, gia cầm, thuỷ sản v.v.. Do ngập lụt lâu ngày nên đã gây ô nhiễm nặng nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, môi trường sống ở nhiều khu vực bị ô nhiễm ở mức cao… Đây là những yếu tố có nguy cơ cao làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, nhất là khi thời tiết nắng nóng trở lại…
Để chủ động khắc phục những hậu quả sau mưa lũ, lụt lội, ngày 2-8, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, gửi tới Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Trung tâm Y tế than Vàng Danh, Trung tâm Y tế than Mạo Khê, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Theo đó, yêu cầu các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp cấp cứu để xử lý, tiếp đón bệnh nhân; tăng cường các đội cấp cứu lưu động; chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện phòng chống dịch; tổ chức các đội xử lý môi trường triển khai và hướng dẫn nhân dân tại cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm, trong đó đặc biệt lưu ý hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước sinh hoạt, cách dùng nước sạch, cách tự xử lý môi trường…
Trong những ngày diễn ra mưa lụt, mặc dù ngành y tế của tỉnh và các địa phương đã chủ động cung cấp hoá chất khử khuẩn môi trường, nguồn nước, tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân cách khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ ở diện hẹp, mang tính chất tình huống, đối phó tức thời. Do vậy khả năng, hiệu quả phòng chống dịch trên diện rộng sẽ có những hạn chế. Đặc biệt, với số lượng hàng ngàn hộ dân có nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, ô nhiễm; hàng vạn con gia súc, gia cầm, thuỷ sản bị chết, bị trôi sẽ là nguồn phát sinh, phát tán dịch bệnh trong cộng đồng và ra môi trường…
Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp khử khuẩn, làm sạch môi trường, tổ chức thu gom, chôn lấp xác động vật triệt để, đảm bảo đúng quy trình. Ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tổng vệ sinh môi trường ngay khi nước rút. Đồng thời tiến hành khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, không để tồn tại các điểm nước tù đọng, bãi rác lưu cữu. Trong quá trình thực hiện cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, không để tình trạng làm qua loa đại khái; nơi nào làm chưa tốt, chưa đúng quy trình phải yêu cầu làm lại. Có như vậy, công tác phòng chống dịch sau mưa lụt mới đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực bảo vệ sức khoẻ cho từng người dân, hộ dân và cả cộng đồng…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()