Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:01 (GMT +7)
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em dịp hè
Chủ nhật, 10/07/2022 | 10:20:07 [GMT +7] A A
Tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo đối với mỗi gia đình vào dịp hè, đặc biệt ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thiếu những sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ. Cùng với đó, việc thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tai nạn thương tích nói chung cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Vì vậy, đòi hỏi gia đình, nhà trường, các cấp, ngành và toàn xã hội cần tăng cường phối hợp, đồng bộ những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em.
Nỗi lo thường trực
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Qua số liệu thống kê, Việt Nam có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ.
Quảng Ninh là địa phương ven biển, có nhiều sông suối, do vậy nguy cơ xảy ra đuối nước ở trẻ em là rất cao. Song nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước đáng tiếc trên địa bàn tỉnh là do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về những nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn đuối nước, do thiếu sự quan tâm, giám sát, sự chủ quan của người lớn để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Bên cạnh đó, một phần do tỷ lệ học sinh biết bơi trên toàn tỉnh chưa cao, các em chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi, kỹ năng cứu đuối... Cơ sở vật chất dành cho việc học bơi, tập luyện môn bơi tại các địa phương còn thiếu.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình tai nạn thương tích trẻ em tuy có giảm về số vụ so với những năm trước, song số trẻ em tử vong vẫn còn cao, đặc biệt là trẻ em tử vong do đuối nước với trung bình từ 10-20 trẻ em/năm.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 15 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó đuối nước là 13 trẻ. Sự việc đau lòng khi 2 trẻ tử vong vì đuối nước xảy ra giữa tháng 6 vừa qua tại TP Móng Cái tiếp tục rung lên hồi chuông báo động cho toàn xã hội về tình trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay. Đồng thời đặt ra trách nhiệm của cả cộng đồng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống đuối nước cho trẻ không chỉ trong mỗi dịp hè mà cần duy trì thực hiện thường xuyên, lâu dài và bài bản.
Ông Đinh Văn Tắc, khu 10, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) chia sẻ: Thấy rõ được nguy cơ đuối nước ở trẻ nhỏ, gia đình tôi rất quan tâm đến việc cho các cháu đi học bơi. Sau khi các cháu đã hoàn thành các khóa học bơi, được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi lội và cứu đuối, tôi tiếp tục cho các cháu đi bơi ở bãi biển vào mỗi buổi chiều để giúp các cháu bơi thuần thục hơn và luôn coi đó là một kỹ năng sống không thể thiếu.
Đồng bộ các giải pháp
Chống đuối nước trở thành ưu tiên hàng đầu tại Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Nỗ lực thực hiện mục tiêu đó cùng cả nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch trên địa bàn”; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 25/5/2021 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT”; phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trên địa bàn; công văn số 2214/UBND-VX2 ngày 8/4/2022 của UBND tỉnh về “Tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh”.
Theo đó, các địa phương trong toàn tỉnh đều bố trí kinh phí và đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó triển khai chương trình “Bể bơi cho em”. Hiện trên địa bàn tỉnh có 60 bể bơi các loại được xây dựng và lắp đặt trong các trường học. Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo đều phối hợp mở các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và phương pháp sơ cấp cứu người bị tai nạn đuối nước cho giáo viên các trường phổ thông.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 đã biên soạn, phát 14.500 cuốn sách bỏ túi về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; 600 cuốn sách chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; tuyên truyền về các nội dung bảo vệ trẻ em cho 5.400 học sinh tại 27 trường học của TP Hạ Long... Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo tăng cường giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong gia đình, nhà trường và nơi công cộng.
Với vai trò đơn vị nòng cốt trong tham gia quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi dịp hè, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Từ tháng 5 tới nay, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh và 13 huyện, thị, thành đoàn tổ chức các lớp tập huấn công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại cho gần 1.000 cán bộ phụ trách, học sinh trên địa bàn dân cư. Toàn Đoàn đã tổ chức 157 lớp dạy bơi với hơn 5.000 thiếu nhi tham gia.
Dự kiến trong tháng 7 này, Tỉnh Đoàn sẽ tổ chức hội thi “Tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước - Cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em năm 2022” với sự tham gia của 13 đội thi đến từ 13 huyện, thị, thành đoàn. Hội thi nhằm góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng tránh đuối nước ở trẻ em hiện nay; hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kỹ năng cứu đuối an toàn. Đồng thời, đề xuất những mô hình, giải pháp mới, sáng tạo trong hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội nhằm trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của các ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng, tin tưởng tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tạo cho trẻ em một môi trường sống, vui chơi an toàn.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Nga, Bí thư Thị Đoàn Quảng Yên: “Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, tổ chức, đơn vị trong việc mở các lớp dạy học bơi miễn phí thường xuyên cho trẻ em” Với đặc thù địa phương nhiều sông, ao, hồ, do đó tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước, hàng năm nhất là trước mỗi dịp hè, Thị Đoàn cũng chỉ đạo Đoàn thanh niên các xã, phường tiến hành rà soát, kiểm tra trên địa bàn những khu vực sông, suối nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra đuối nước để cắm biển cảnh báo kịp thời. Cùng với đó, phối hợp với các phòng, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, tổ chức các lớp bơi miễn phí cho trẻ em. Trong dịp hè năm 2022, 17 đơn vị đoàn xã, phường đều tổ chức tại mỗi địa phương 1 lớp bơi miễn phí dành cho đối tượng thiếu nhi là con em gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Lồng ghép trong chương trình hoạt động hè, các đơn vị đoàn cũng tổ chức chương trình tuyên truyền, cung cấp cho phụ huynh, thanh thiếu nhi thêm kiến thức, kỹ năng chủ động xử lý khi gặp tai nạn thương tích, trong đó có phòng, chống đuối nước. |
Đồng chí Triệu Thị Hồng Thơm, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Liêu: “Bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phòng chống tai nạn thương tích” Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Bình Liêu đều dành kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện và đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho các hoạt động vì trẻ em, như: Chăm sóc sức khoẻ, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, chăm sóc dinh dưỡng; hỗ trợ về y tế, giáo dục... Bình Liêu là địa bàn có nhiều sông, suối, đập nước đồng thời còn thiếu các sân vui chơi nên dịp hè đến không tránh khỏi việc trẻ em thường đến khu vực sông, suối để tắm, vui chơi tiềm ẩn những nguy hiểm. Trước thực trạng này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hàng năm đều tham mưu cho UBND huyện tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho thiếu nhi trong dịp hè. Và trong dịp hè này sẽ mở 6 lớp cho khoảng 100 thiếu nhi tham gia. Cùng với đó, bố trí ngân sách tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ khu phố, đội ngũ cộng tác viên công tác trẻ em về công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em nhằm huy động sự vào cuộc, trách nhiệm của cả cộng đồng. |
Đoàn viên Phạm Thanh Tú, xã Yên Đức, TX Đông Triều: “Tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn xã hội” Nhắc đến phong trào bơi lội và học bơi có thể thấy thời gian qua, TX Đông Triều là địa phương đi đầu của tỉnh trong triển khai nhiều giải pháp hiệu quả khuyến khích tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi được học bơi, trang bị kỹ năng kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước nói riêng. Tôi rất vui mừng khi các con em được đến trường cùng với việc được giáo dục văn hóa còn được trang bị kỹ năng sống bổ ích, thiết thực như vậy. Song thực trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân mà đầu tiên phải kể đến sự chủ quan của người lớn, của gia đình trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em mình. Vì vậy, để không còn xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ em, thì công tác phòng, chống đuối nước cần tiếp tục có sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, từ nhà trường đến gia đình và cộng đồng để tạo ra một môi trường sống, học tập, rèn luyện, vui chơi thật sự an toàn, lành mạnh, bổ ích cho các em. |
Đoàn viên Đào Gia Linh, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long: “Mong là các lớp tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho thiếu nhi sẽ được tổ chức thường xuyên hơn” Năm nay, em được bố mẹ cho đi học bơi tại trung tâm. Em thấy rằng việc học bơi là rất quan trọng, giúp em được rèn luyện sức khỏe, tăng chiều cao, luyện dáng vóc và cần thiết để bảo vệ tính mạng của chính mình. Ngoài học kỹ năng để bơi lội thành thạo, em được các thầy cô ở trung tâm hướng dẫn một số các kỹ năng cơ bản để xử lý khi gặp tình huống đuối nước, cứu đuối kịp thời. Cùng với đó, trong các buổi sinh hoạt hè tại khu dân cư, chúng em cũng được tuyên truyền nhiều về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Tuy nhiên, việc học không thường xuyên nên khiến chúng em có thể quên, không tạo được thói quen, phản xạ khi gặp tình huống xảy ra. Vì vậy, em mong muốn sẽ được học các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích thường xuyên hơn cả trong năm học và có cơ hội tham gia các khóa trải nghiệm kỹ năng để có thể thực hành, rèn luyện nhiều hơn. |
Nguyễn Dung
- 1 nạn nhân tử vong do đuối nước tại Bãi tắm Hòn Gai
- Móng Cái: Một bé trai tử vong do đuối nước khi đi tắm sông
- Rủ nhau đi tắm hồ, 3 thanh, thiếu niên đuối nước
- Hải Hà tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em
- Phòng chống đuối nước cho trẻ và câu chuyện về hành lang an toàn
- Cứu sống bệnh nhi đuối nước, phù phổi cấp
Liên kết website
Ý kiến ()