Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:53 (GMT +7)
Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em
Thứ 5, 18/03/2021 | 09:26:09 [GMT +7] A A
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Đây cũng là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Quảng Ninh mà trong cả nước.
Tiết học kỹ năng sống tại Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long), tháng 6/2020. Ảnh: Thu Nguyệt |
Mới đây, các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cấp cứu và điều trị thành công cho bệnh nhi N.G.H, 7 tháng tuổi (TX Quảng Yên) bị chấn thương sọ não. Trước đó, bệnh nhi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não do ngã xuống nền đất cứng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ, cầm máu, ghép xương sọ cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật được tiên lượng rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều biến chứng bởi đây là bệnh nhi nhỏ tuổi với chấn thương rất nặng. Bằng sự cố gắng, nỗ lực cùng việc làm chủ kỹ thuật, các bác sĩ tiến hành thành công ca phẫu thuật.
Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, chơi ngoan, bú tốt, phản xạ tốt và được xuất viện. Chị Nguyễn Thanh Bình, mẹ của bệnh nhi, xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi vô cùng cảm ơn các y, bác sĩ Bệnh viện đã tận tình chăm sóc, điều trị cho cháu. Con đã khỏe mạnh trở lại, thực sự là niềm hạnh phúc quá lớn lao với gia đình”.
Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhi N.G.H, 7 tháng tuổi (TX Quảng Yên) bị chấn thương sọ não, được xuất viện. |
Mới đây, cháu bé N.P.H (SN 2018) bị ngã từ tầng 12 tòa nhà chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), được người dân kịp thời cứu sống. May mắn, bé chỉ bị trật khớp háng. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe của bé đã ổn định, được xuất viện.
TNTT ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thường xảy ra bất ngờ, mọi lúc, mọi nơi, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được, gây ra những thương tổn trên cơ thể người. Ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh, nên rất dễ bị TNTT.
Theo báo cáo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Sở LĐ-TB&XH, năm 2020 có 28 trẻ bị tử vong do TNTT; nhiều trẻ phải chăm sóc tại các cơ sở y tế, nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời. Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT ở trẻ em, nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
Trước những vụ việc TNTT ở trẻ em diễn ra gần đây, Bộ LĐ-TB&XH - Cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em, đã có công văn gửi các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa TNTT cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống TNTT cho trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học, để bảo đảm an toàn cho trẻ em; cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra TNTT trẻ em.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất, tinh thần. Các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng cùng chủ động phòng, chống TNTT cho trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển.
Tuỳ từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các nguyên nhân TNTT khác nhau: Đối với trẻ sơ sinh: Nguyên nhân TNTT chiếm tỷ lệ cao nhất là đuối nước, ngã, ngạt, bỏng, tai nạn giao thông (TNGT) và ngộ độc. Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Nguyên nhân TNTT thường gặp là đuối nước, ngã, bỏng, TNGT, ngộ độc, ngạt. Đối với trẻ 1-4 tuổi: Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu; tiếp theo là bỏng; các nguyên nhân thường gặp khác, như ngã, TNGT, động vật cắn; ngộ độc cũng có thể gặp nhưng tỷ lệ không cao. Đối với trẻ 5-9 tuổi: Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu; một số nguyên nhân hay gặp khác, như TNGT, chấn thương do vật sắc nhọn và động vật tấn công; những nguyên nhân ít gặp hơn, như ngạt, ngã, ngộ độc, sét đánh. Đối với trẻ 10-14 tuổi: Đuối nước và TNGT là 2 nguyên nhân hàng đầu; các nguyên nhân khác có tỷ lệ thấp hơn, như đánh nhau, động vật tấn công, tự tử. Đối với trẻ 15-19 tuổi: TNGT nổi lên như là nguyên nhân hàng đầu; các nguyên nhân khác, như tự tử, đánh nhau, đuối nước. Nguồn: Bộ Y tế |
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()