Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:07 (GMT +7)
Phòng ngừa bất lợi khi dùng nước rửa tay có cồn
Thứ 2, 21/06/2021 | 08:53:24 [GMT +7] A A
Đau đầu, buồn nôn và chóng mặt có thể xảy ra sau khi thoa nước rửa tay chứa cồn lên da. Những triệu chứng này có thể xảy ra do hít phải hơi từ nước rửa tay, có thể do tiếp xúc trong không gian kín hoặc những nơi không khí lưu thông kém… Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo.
Gia tăng các trường hợp gặp bất lợi do dùng nước sát khuẩn tay trong đại dịch
Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều báo cáo về những bất lợi khi sử dụng không đúng nước sát khuẩn có cồn. Hầu hết mọi người đều gặp những bất lợi nhỏ. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng hơn cần điều trị chăm sóc y tế.
Đối với các trường hợp được báo cáo cho FDA trong 11 năm (từ ngày 1/1/2010 đến ngày 31/12/2020, cơ quan này đã xác định được 50 trường hợp gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, sau khi sử dụng chất khử trùng tay có cồn. Tất cả các trường hợp này đều được báo cáo sau tháng 3/2020 và trùng hợp với sự gia tăng rõ rệt việc sử dụng nước rửa tay trong đại dịch COVID-19. Hầu hết trong số 50 trường hợp là ở người lớn, với bốn trường hợp ở trẻ em.
Đối với các cuộc gọi đến Trung tâm kiểm soát chất độc, trong 3 năm (từ ngày 1/1/ 2018 đến ngày 31/12/2020), FDA đã xác định được 299 trường hợp tiếp xúc với da và đường hô hấp/mũi dẫn đến các triệu chứng do tiếp xúc với các sản phẩm nước rửa tay. Số lượng phơi nhiễm tăng đáng kể sau tháng 3/2020 trong đại dịch COVID-19. Hầu hết các trường hợp là ở người lớn, với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống chiếm 12%. Phần lớn các trường hợp gặp các tác động nhỏ hoặc tối thiểu, chỉ có một số ít cần chăm sóc y tế.
Hiện FDA đang tiếp tục theo dõi các báo cáo về các tác dụng phụ xảy ra với nước rửa tay. Tuy nhiên, tại thời điểm này, FDA vẫn chưa thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với nhãn “Thông tin thuốc” cho chất khử trùng tay.
Những lưu ý đối với người sử dụng
Người dùng nên sử dụng nước rửa tay có cồn ở nơi thông thoáng. Nếu bạn đang sử dụng nước rửa tay trong một khu vực kín như ô tô, hãy mở cửa sổ để cải thiện sự thông gió cho đến khi nước rửa tay khô và hơi bay hết. Khi sử dụng nước rửa tay, hãy chà tay cho đến khi cảm thấy khô hoàn toàn và để hơi nước bay ra trước khi thực hiện các hoạt động có thể liên quan đến nhiệt, tia lửa, tĩnh điện hoặc ngọn lửa. Đọc và làm theo các hướng dẫn và cảnh báo trên nhãn “Thông tin Thuốc” OTC.
Một số loại nước rửa tay có thể bị nhiễm các thành phần độc hại vì vậy hãy lựa chọn nước rử tay có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tránh các sản phẩm đã bị cấm lưu hành. Trong trường hợp gặp tác dụng phụ của nước rửa tay hoặc vô tình ăn phải, hãy liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc trung tâm chống độc gần nhất.
Cất giữ nước rửa tay và tất cả các loại thuốc không kê đơn khác ở trên cao, xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ em. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mới biết đi, có thể bị thu hút bởi mùi dễ chịu hoặc các dung dịch, chai, túi hoặc hộp đựng nước rửa tay có màu sắc rực rỡ. Người lớn phải luôn giám sát trẻ nhỏ sử dụng nước rửa tay, vì nuốt phải dù chỉ một lượng nhỏ nước rửa tay cũng có thể gây ngộ độc rượu ở trẻ em, có thể gây bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong.
Không sử dụng nước rửa tay gần mắt vì có thể gây bỏng và tổn thương mắt. Bảo quản nước rửa tay tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa vì nó có chứa cồn và dễ cháy.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên sử dụng nước rửa tay ở nơi thoáng khí, đặc biệt là khi phải sử dụng thường xuyên trong ngày; giáo dục người tiêu dùng về việc sử dụng chất khử trùng tay thích hợp, và khuyến khích họ đọc và làm theo các hướng dẫn và cảnh báo trên nhãn “Thông tin thuốc” trên nhãn.
Để giúp các cơ quan quản lý theo dõi các vấn đề an toàn về thuốc, người dùng và chuyên gia chăm sóc sức khỏe báo cáo các tác dụng phụ liên quan đến chất khử trùng tay hoặc các loại thuốc khác cho các cơ quan liên quan.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()