Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 22:19 (GMT +7)
Biên giới hải đảo, Báo Hạ Long Niềm vui làng bẫy mực ở Cô Tô
[GMT +7] A A
Năm nay các ngư dân ở xã Thanh Lân, huyện Cô Tô có thêm niềm vui mới, khi Lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân lần đầu tiên được tổ chức trong ngày cuối tháng 2 vừa qua tại xã Thanh Lân tại miếu thờ Ngư Ông, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô.
Ở Cô Tô có đến vài trăm người làm nghề bẫy mực, sống rải rác ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhưng ở thôn 3, xã Thanh Lân gần như cả thôn đều làm nghề bẫy mực. Người dân làm nghề bẫy mực từ cuối tháng 4 đến tháng 9 âm lịch và thời điểm đó là hiệu quả nhất.
Anh Vũ Văn Trình, ở thôn 3, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô đã có hơn 20 năm làm nghề bẫy mực. Anh Trình rất phấn khởi bởi vừa qua xã đã có Lễ hội mở cửa biển. Anh cho hay: “Chúng tôi những người sống dựa vào biển, xưa nay người đi biển chúng tôi mỗi khi ra biển đều cầu mong trời yên, biển lặng để cá nặng, lưới đầy, vợ con ở nhà an tâm khi chồng con lênh đênh trên biển cả. Do vậy, lễ hội mở cửa biển thêm niềm vui và sự an tâm cho chúng tôi cho mỗi chuyến ra khơi.
Làng bẫy mực đang chuẩn bị vào vụ chính, những chiếc thuyền nằm ngoài bãi chuẩn bị ra khơi trông giống như những con nhím khổng lồ đang phơi mình, bởi thuyền được chất đầy những chiếc lồng bẫy mực. Bẫy mực làm đơn giản từ những cây gỗ rừng cứng được buộc thành chiếc lồng hình vuông, xung quanh có bịt lưới, miệng bẫy là hai mảnh lưới khép lại đủ để mực chui qua, xung quanh bẫy được ngụy trang bằng lá dừa nước. Tất cả bẫy đều được làm từ thảo mộc để gần gũi với thiên nhiên, bởi mực sống dưới độ sâu nên thị giác của chúng kém, nhưng khứu giác của chúng rất nhạy, nếu phát hiện thấy lạ là mực bỏ đi ngay.
Anh Trình đưa chúng tôi đi trải nghiệm, bởi thời gian này thời tiết không được đẹp nên anh chỉ đánh bắt gần bờ. Thuyền của anh Trình nom như con nhím khổng lồ đang di chuyển trên biển. Anh Trình đã thả lồng bẫy mực từ đêm, nên buổi chiều nay anh chỉ đi thu lồng về. Chiếc lồng được kéo lên bằng tay, vì khu vực nước nông, còn chỗ sâu lồng phải kéo bằng tời vì rất nặng. Vài chú mực còn tươi xanh mắc bẫy trong lồng, thành quả của lồng đầu tiên, các lồng mực khác do thả gần bờ, lại chưa vào chính vụ nên nhiều cái bẫy không có gì. Anh Trình nhẩm tính số mực bắt được bán được khoảng 1 triệu đồng, vậy là vui rồi.
Hàng ngày anh Trình ra biển từ 2-3 giờ sáng để thả lồng rồi khoảng 15 giờ chiều cùng ngày mới ra vớt lồng lên. Thường là anh ngủ luôn ngoài biển phải phải chấp nhận bồng bềnh ngoài khơi trông coi lồng, nếu không tầu thuyền chạy qua khu vực bẫy mực rồi cứ thế kéo bẫy đi. Vậy là suốt đêm đến sáng, rồi những buổi trưa nắng như đổ lửa, anh Trình trên chiếc thuyền bẫy mực. Có hôm trên thuyền có 2 người, nhưng nhiều hôm anh chỉ đi biển một mình, những hôm trời yên gió lặng, anh ra xa hơn gần 2 tiếng tầu chạy để bẫy mực, vì sẽ kiếm được nhiều hơn.
Nghề bẫy mực dựa vào khả năng sinh tồn của chúng, đó là dụ mực vào đẻ trứng.. Trong bẫy có mồi là bầu trứng mực được buộc vào trong thả xuống biển, do đặc tính của loài mực thường đẻ trứng trong các hốc đá san hô. Mực luôn sống ở độ sâu nên mắt rất kém, tưởng bẫy là hốc đá san hô nên vào đó đẻ trứng. Trứng mực sau khi được mực bố thụ tinh, nên khi thả vào tự nhiên vẫn nở mực con như thường. Chính vì thế, dù lượng mực được đánh bắt ước hàng năm hàng trăm tấn ở Cô Tô, nhưng số lượng mực hàng năm hầu như không giảm. Chỉ đơn cử như chiếc thuyền của anh Trình ngày nhiều được khoảng 30kg, ngày ít vài cân, hòm hòm được vài chục triệu/tháng. Anh Trình không phải là người bắt được nhiều mực nhất, vì có hộ thu được hàng trăm triệu đồng/tháng vào mùa mực.
Người bẫy mực có cuộc sống đêm ngày lênh đênh trên biển, nên họ rất vui mừng vì được chính quyền địa phương quan tâm nhiều mặt kể cả yếu tố tâm linh. Đa phần họ là những người theo đạo Thiên chúa giáo từ Nam Định, Thái Bình đến đây xây dựng kinh tế mới. Toàn xã đảo Thanh Lân có 137 hộ theo đạo Thiên chúa. Từ năm 2015, được sự vào cuộc của chính quyền và nỗ lực của người dân mà nhà thờ Thanh Lân đã đươc xây dựng trên diện tích 4000m2 và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người đi biển. Cuối tháng 2 vừa qua, Lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân lần đầu tiên được tổ chức càng tăng thêm động lực cho người dân mỗi chuyến ra khơi.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()