Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 15:37 (GMT +7)
Quan niệm 'khác lạ' của người châu Âu về việc đeo khẩu trang
Chủ nhật, 22/03/2020 | 08:38:31 [GMT +7] A A
Phần lớn người châu Âu không đeo khẩu trang giữa dịch Covid-19 không chỉ vì không có thói quen mà còn vì nhận thức khác biệt về sự cần thiết này.
Sống trong môi trường ít ô nhiễm và khói bụi, thật dễ hiểu khi người châu Âu không cần và không có thói quen đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường. Ngoài ra, họ quan niệm ai đó đeo khẩu trang là người đang bị bệnh và cần làm điều đó để giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.
Song kể từ khi virus corona trở thành đại dịch, nhu cầu mua khẩu trang y tế của người dân ở các nước châu Âu tăng vọt. “Cơn sốt” này đã đẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang y tế ở một loạt các nước như Bỉ, Đức, Pháp..., nơi Covid-19 đang hoành hành dữ dội.
Đáng chú ý, từ ngày 19/3, tại cộng hoà Séc, theo các quy định mới của chính phủ, tất cả mọi người dân cần phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà. Sau khi tin này được đăng tải, nhiều công dân ở các nước châu Âu khác lên tiếng: “Chúng ta cũng nên làm như vậy”.
Đeo khẩu trang có giúp bảo vệ khỏi lây nhiễm virus corona?
Đeo khẩu trang cần phải đúng cách mới phát huy tác dụng. Ảnh: Photonews. |
Đây là câu hỏi được đặt ra trên nhiều diễn đàn chính thức. Trên trang web của Bộ trưởng Y tế Bỉ maggiedeblock.be, chuyên gia nghiên cứu về virus thuộc Viện Sciensano kiêm chủ tịch Uỷ ban Khoa học về virus corona của Bỉ, Steven Van Gucht, giải đáp: “Việc đeo khẩu trang phẫu thuật là cần thiết đối những người nhiễm virus corona.
Khẩu trang này giúp bảo vệ môi trường xung quanh họ khỏi những tác nhân gây bệnh mà họ đang mang và có nguy cơ truyền cho người khác qua những giọt nước bọt có chứa virus phát tán khi họ ho, hắt hơi hay nói chuyện. Những nhân viên y tế làm việc trong môi trường có các bệnh nhân nhiễm virus corona được điều trị cũng sẽ được bảo vệ nếu đeo khẩu trang. Vậy có thể nói, đối với một người khoẻ mạnh đi ra ngoài đường, việc đeo những khẩu trang chuyên dụng như vậy ít hữu ích”.
Giáo sư William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc đại học Vanderbilt (Mỹ), cũng đồng quan điểm này. Trả lời câu hỏi: “Chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi nhiễm virus corona bằng cách đeo khẩu trang y tế hay không?” của phóng viên Live Science, ông nói : “nếu là khẩu trang phẫu thuật thông thường, thì câu trả lời là không”.
Ông Schaffer cho biết, hiện tại, trên thị trường có một loại khẩu trang với tên gọi N95 có thể bảo vệ chống virus corona mới (SARS-Cov-2). Khẩu trang này dày hơn khẩu trang phẫu thuật song không được các chuyên gia khuyên sử dụng cho công chúng ít nhất ở thời điểm hiện nay.
Theo ông, lý do thứ nhất đó việc đeo khẩu trang này trong một khoảng thời gian dài là việc làm khó khăn, đòi hỏi phải học đeo đúng cách và đôi khi gây ra cảm giác ngột ngạt. Và nếu trong trường hợp bạn có thể được chào mời mua sản phẩm này, theo ông Schaffner bạn nên từ chối. Bởi, nếu có quá nhiều người tích trữ khẩu trang y tế chuyên dụng dù không cần thiết, đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế sẽ thiếu các thiết bị bảo vệ và làm việc với nhiều rủi ro. Các khẩu trang chuyên dụng lúc này đặc biệt cần thiết cho đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ưu tiên cho “tuyến” đầu
Thẩm phán người Bỉ Jan Nolf vốn thường chỉ trích những biện pháp xử phạt hành chính ở địa phương lại là người ủng hộ việc ra quy định cấm việc sử dụng khẩu trang trong trường hợp không cần thiết trong bối cảnh các bệnh viện và nhân viên y tế chăm sóc tại nhà ở Bỉ đang trong tình trạng thiếu khẩu trang y tế nghiêm trọng.
“Hôm nay, tại Brugge tôi nhìn thấy nhiều người đi ngoài đường với khẩu trang chuyên dụng. Đó có lẽ là điều không cần thiết, bởi khi bạn không bị lây nhiễm thì việc đeo khẩu trang như vậy có ít ý nghĩa và nếu bạn bị nhiễm bệnh, đơn giản không được phép bước chân ra ngoài”, ông chia sẻ.
Theo chuyên gia Steven Van Gucht, điều quan trọng cần phải bảo đảm ưu tiên nguồn cung cấp khẩu trang cho những người đứng ở “tuyến đầu”.
Thị trưởng thành phố du lịch nổi tiếng Brugge (Bỉ), ông Dirk De Fauw, đã kêu gọi các công ty chia sẻ khẩu trang với các bệnh viện, bác sỹ gia đình và các nhân viên y tế chăm sóc tại nhà. Ông cũng kêu gọi quyên góp nước sát khuẩn tay, áo choàng bảo vệ dùng một lần và kính an toàn. Trong trường hợp, việc làm này không được thực hiện tự giác, cảnh sát địa phương có thể can thiệp để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ.
Điều đó khiến ông Nolf có ý tưởng sẽ áp dụng hình phạt hành chính đối với việc sử dụng khẩu trang trong trường hợp không cần thiết. “Trong hầu hết quy định của các thành phố ở Bỉ việc đeo mặt nạ đi khắp nơi là bị nghiêm cấm, trừ trường hợp lễ hội hoá trang. Nếu bạn chiểu theo quy định đó và phạt những người khoẻ mạnh đeo khẩu trang đi khắp nơi đó là đưa ra một tín hiệu. Và điều đó có thể khuyến khích mọi người nếu có khẩu trang dự trữ đem đến hiệu thuốc để quyên góp cho các bệnh viện”, ông nói.
Đeo khẩu trang cần phải đúng cách
Theo chuyên trang về khoa học sức khoẻ (gezondheidswetenschap.be), đeo khẩu trang hữu ích khi một người nhiễm bệnh ở gần bạn vô tình xì mũi hay hắt hơi về phía bạn. Đeo khẩu trang đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong môi trường bệnh viện nơi các bác sỹ cần đeo trong các trường hợp như thực hiện ca phẫu thuật.
Song trong cả hai trường hợp, đeo khẩu trang chỉ phát huy tác dụng khi bạn đeo khẩu trang đúng cách, đó là khẩu trang cần phải vừa khít với vòm mũi và che kín miệng. Khi bạn tháo khẩu trang ra khỏi mặt sẽ xuất hiện những luồng khí có thể đưa virus xâm nhập vào. Và khi khẩu trang lỏng, không khít mặt thì việc đeo khẩu trang hoàn toàn không có tác dụng. Vì vậy, bạn không nên tháo khẩu trang ra để gọi điện hay sờ tay lên bề mặt của khẩu trang và nên lựa chọn loại khẩu trang phù hợp.
Cách bảo vệ tốt nhất: Giữ đôi tay sạch sẽ!
Ảnh: viraltje.nl |
Theo các chuyên gia, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước có tác dụng hơn nhiều trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus corona.
Ngoài ra, còn có những cách đơn giản để phòng chống cho mình và những người xung quanh như: không hắt hơi về phía người đối diện; lấy khăn giấy che miệng khi ho hay hắt hơi và vứt đi sau khi sử dụng sau đó rửa tay; trong trường hợp không có sẵn khăn giấy, ho và hắt hơi vào phía bên trong khuỷu tay thay vì vào lòng bàn tay; khi ốm tự cách ly ở nhà và gọi điện cho bác sỹ; không đến ngồi chờ ở phòng khám; giữ khoảng cách (không bắt tay và ôm hôn)./.
Theo Xuân Hương (vov.vn)
Liên kết website
Ý kiến ()