Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 06:29 (GMT +7)
Quảng Ninh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra
Chủ nhật, 08/09/2024 | 07:29:20 [GMT +7] A A
Công an tỉnh họp khẩn cấp triển khai khắc phục hậu quả sau bão
Trước đó, tối 7/9, ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua địa bàn tỉnh gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh, đã chủ trì họp trực tuyến khẩn cấp để triển khai nhiệm vụ khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.
Công an tỉnh Quảng Ninh xác định các địa bàn trọng điểm cần tập trung khắc phục hậu quả bao gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó chú ý đến các địa điểm bị sạt lở đất, cây xanh, cột điện đổ chặn các tuyến đường giao thông; khu vực dân cư ở vùng trũng bị ngập úng do mưu sau bão; các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thiệt hại do tác động của mưa bão. Trụ sở Công an cấp huyện, cấp xã có thiệt hại nặng nề về tài sản.
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tinh thần chủ động hơn nữa; phải đánh giá đúng, chính xác về thiệt hại và vùng thiệt hại đã và có thể xảy ra. Cùng với đó cần phải dự báo tốt theo từng địa bàn cụ thể để có kế hoạch bố trí nhân lực và phương tiện phù hợp, hiệu quả.
Công an tỉnh phân công 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Nhiệm vụ trọng tâm các đoàn kiểm tra cần nắm bắt thông tin về tình hình hậu quả thiệt hại do bão gây ra; những địa điểm đã và có nguy cơ bị ngập úng, lũ, sạt lở do mưa lớn; những vấn đề khó khăn, vướng mắc về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… Nắm tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh liên quan an ninh, trật tự, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án, giải pháp xử lý như vấn đề về an toàn giao thông (thủy, bộ); an ninh kinh tế các lĩnh vực liên quan nông, lâm, ngư nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, an ninh nguồn nước, than, điện…
Đồng thời, phải khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương; có phương án hỗ trợ đối với những gia đình cán bộ, chiến sĩ có có giá trị tài sản thiệt hại lớn vượt qua khả năng khắc phục của cán bộ, chiến sĩ và gia đình...
Đông Triều: Tập trung khắc phục hạ tầng giao thông, sửa chữa nhà dân
Số liệu sơ bộ thống kê đến sáng ngày 8/9/2024, toàn địa bàn thị xã bị mất điện, tổng số cột điện bị đổ gãy là 277 cột (trong đó có 1 cột cao thế 110KV tại xã Bình Khê); số nhà bị tốc mái 3.885 nhà; số cây bị đổ gãy là 5.928 cây; diện tích hoa màu 208ha; diện tích lúa 183ha. Không có thiệt hại về người.
Sau cơn bão, các địa phương trên địa bàn thị xã đang tích cực khắc phục theo phương án 4 tại chỗ, ưu tiên khắc phục hạ tầng giao thông, hỗ trợ sửa chữa nhà ở của người dân, sửa chữa và khôi phục hệ thống điện. Đồng thời, lực lượng chức năng và người dân tập trung dọn dẹp cây xanh, cột điện, mái tôn bị đổ, bay chắn ngang đường; hỗ trợ người dân ở các khu vực bị cô lập do nước dâng cao ngập tràn do hoàn lưu sau cơn bão.
Lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo triển khai hiệp đồng các lực lượng theo phương án đã được lên kế hoạch...
Vân Đồn: Tìm kiếm được 6 người mất tích trên biển
Sau khi triển khai công tác tìm kiếm trên biển đối với những người mất tích, đến 8h50’, các lực lượng của huyện Vân Đồn đã tìm kiếm được 6 người mất tích. Những người này là công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3 người thuộc hộ gia đình anh Long Văn Quảng. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.
Cũng trong sáng nay, huyện Vân Đồn đã thành lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3. Hiện tại trên địa bàn huyện Vân Đồn có mưa nhỏ, mưa vừa, gió nhẹ.
Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.
Cô Tô khẩn trương huy động lực lượng khắc phục hậu quả bão số 3
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Cô Tô có 22 phương tiện thủy, bè nuôi thủy sản bị đắm gồm: 14 tàu xi măng, 2 tàu gỗ, 1 xuồng coposie, 4 bè nuôi trồng thủy sản, 1 mảng gỗ; khoảng trên 500 nhà dân, trụ sở, trường học, khách sạn, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa trung tâm huyện bị tốc mái tôn, ngói lợp; sập toàn bộ 3 mái sân chơi của trường mầm non; đổ 180 m tường rào trường học, tường rào nhà văn hóa trung tâm huyện; nhiều nhà dân, khách sạn bị gió thổi vỡ kính, hỏng cửa; hơn 10 cột điện bị gãy đổ; không có nhà bị sập.
Toàn huyện có khoảng trên 400 cây xanh 2 bên đường bị gãy đỗ; khoảng trên 5 ha rừng phòng hộ ven biển bị gió đánh gãy, đổ; không có thương vong, thiệt hại về người.
Hiện nay, toàn huyện đang tập trung khắc phục các đường dây, thiết bị điện nhằm sớm có điện sinh hoạt trở lại và tín hiệu để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; huy động tối đa các lượng lượng giúp dân khắc phục hậu quả của bão, sửa chữa tạm thời nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, cắt dọn cây đổ ven đường.
Hạ Long: Người dân tích cực khắc phục hậu quả sau bão
Uông Bí: Tập trung khắc phục, di dời, bảo vệ người và tài sản vùng ngập lụt
Cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng lớn đến thành phố Uông Bí. Thống kê sơ bộ toàn thành phố có 24 nhà đổ sập, 1.577 nhà mái tôn bị tốc mái, 1.385 nhà bị ngập nước, 623. 250 cột điện và 7.769 cây xanh bị gãy đổ, 296 công trình khác bị hư hỏng.
Ngoài ra, thành phố Uông Bí có 6 trạm biến áp bị hư hỏng, 6 cột điện cao thế bị gãy đổ, 300ha hoa màu và 200ha NTTS bị ảnh hưởng.
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, TP Uông Bí khẩn trương huy động lực lượng khắc phục, thu dọn cây xanh, bảng biển gãy đổ ra đường để tránh ách tắc giao thông.
Ngay sau khi bão đi qua, các tuyến đường trên địa bàn đều thông tuyến. Thành phố ưu tiên nhân lực và vật lực rà soát, hỗ trợ các hộ dân bị ngập lụt, trong đó di dời dân đối với hộ ngập lụt sâu và di chuyển, bảo vệ tài sản đối với hộ ngập lụt ít nghiêm trọng. Thành phố Uông Bí khuyến khích người dân tự dọn dẹp, khắc phục hậu quả của bão tại gia đình và khu vực công cộng nơi mình sinh sống. Đơn vị điện lực thành phố khẩn trương khắc phục hư hại về thiết bị, công trình điện, mục tiêu nhanh nhất phục hồi, cấp điện trở lại.
Vân Đồn: Tìm thêm được 2 người mất tích
Đến 11h20’, các lực lượng chức năng của huyện Vân Đồn đã tìm thấy thêm 2 người mất tích trên biển thuộc hộ nuôi trồng thuỷ sản Long Văn Quảng.
Như vậy, từ sáng đến nay, huyện đã tìm được 8/9 người mất tích trên biển, sức khoẻ 8 người ổn định. Hiện còn anh Long Văn Quảng (chủ hộ) là chưa tìm thấy.
Cập nhật thiệt hại về lĩnh vực thủy sản
Tổng hợp báo cáo của các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Hải Hà cho thấy chưa có thiệt hại về người lao động lĩnh vực thủy sản, 1 người lao động thủy sản mất tích, 18 tàu cá bị đắm hoặc trôi dạt, trên 1.000 ô lồng, bè NTTS bị cuốn trôi, 7 cơ sở NTTS nước ngọt và nuôi tôm thẻ chân trắng bị tốc mái tôn (diện tích khoảng 17.000m2) và ngập úng.
Các địa phương còn lại báo cáo không có thiệt hại về người, chưa có con số thống kê thiệt hại về tài sản trong lĩnh vực thủy sản.
Tiên Yên tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiên Yên, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp. Địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng gây nhiều thiệt hại về tài sản. Có khoảng 249 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 6 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 243 ngôi nhà bị tốc mái một phần; diện tích lúa bị ngập lụt 210 ha lúa và hoa màu bị ngập lụt; trên 3.000 cây lâm nghiệp bị đổ gãy. Về chăn nuôi, gia cầm bị thiệt hại khoảng 2.400 con, khoảng 40 cột điện cao thế và cột điện viễn thông bị đổ; trên 3.100 cây xanh bị đổ và nhiều biển quảng cáo, đèn chiếu sáng, đèn trang trí bị đổ vỡ. Tổng thiệt hại ước tính trên 373 tỷ đồng.
Ngay trong sáng nay, huyện Tiên Yên đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường; khắc phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoa ạt để nhanh chóng bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, các lực lượng hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái, hư hại; khă ắc phục nhanh các công trình công cộng như trường học, trạm y tế..., để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân.
Huyện đang khẩn trương thực hiện công tác tiêu, thoát nước cho các diện tích lúa mùa; khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cun ng lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân trong thời gian tới.
Tiên Yên cũng đang lập phương án di chuyển những hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; bố trí lực lượng kiểm tra canh gác tại các ngầm, tràn khi có mưa lũ, đảm bảo không cho người và phương tiện qua khi có lũ.
Quảng Yên: Đưa 10 người mắc kẹt tại khu vực Hòn Ráu về nhà an toàn
Trước khi bão số 3 đổ bộ, 10 người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TX Quảng Yên đã cố tình quay lại các bè nuôi nên bị mắc kẹt tại khu vực Hòn Ráu và bị mất liên lạc. TX Quảng Yên đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm, thực hiện các giải pháp để liên lạc với 10 người mắc kẹt này.
Đến 3h ngày 8/9, đã liên lạc được trở lại với 10 người bị mắc kẹt, sức khỏe ổn định, tâm lý tốt. Đồng thời, xã Hoàng Tân đã tổ chức đón và đưa 10 người dân này về nhà an toàn.
Ngoài ra, sau bão, các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã Quảng Yên cây cối đổ gãy nhiều, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị hư hỏng. Đặc biệt, giao thông trên địa bàn các xã, phường gặp nhiều khó khăn do cây xanh, cột điện, cột đèn đổ. Hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn thị xã bị gián đoạn. Hệ thống điện vẫn mất toàn bộ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền đến người dân tuyệt đối không chủ quan trước hoàn lưu của bão; đồng thời làm việc với các đơn vị viễn thông khắc phục nhanh nhất tình trạng gián đoạn liên lạc; huy động các lực lượng dọn dẹp cây xanh đảm bảo lưu thông các tuyến đường.
Đặc biệt, thị xã tiếp tục cấm sông, cấm biển, không cho người dân ra tàu, thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn.
Hải Hà khẩn trương khắc phục sau bão, vệ sinh môi trường các khu dân cư
Theo báo cáo nhanh của huyện Hải Hà, bão số 3 đã làm tốc mái 37 nhà ở, sập 1 nhà dân đang thi công dang dở, 4 trường học bị tốc mái với diện tích 620m2, 19 trường học bị hư hỏng cửa kính, nhà vệ sinh, cổng trường, các biển hiệu trong trường; 800m2 công trình phụ bị tốc mái; 305m tường bao bị sập đổ; 152 biển pano, quảng cáo bị hư hỏng; 44 cột điện bị gãy, đổ (5 cột điện hạ thế, 39 cột điện thắp sáng đường quê và đường điện xương cá); 3.200m dây điện các loại bị đứt; 1.612 cây xanh tại các trục đường giao thông, khuôn viên các cơ quan, trường học bị gãy đổ.
Hơn 160 ha rừng sản xuất bị gãy đổ, 605 cây ăn quả bị gãy đổ; 149 ha lúa bị ngập cục bộ, đổ rạp; 6,7 ha mía, 7,4 ha hoa màu khác bị gãy đổ; hơn 2 tấn cá ao nuôi nước ngọt chết do mất điện. Nuôi trồng thủy sản trên biển hiện tại chưa thống kê được thiệt hại.
Ngay khi bão số 3 đi qua, các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đã tích cực huy động cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân phối hợp với Công ty vệ sinh môi trường sử dụng các phương tiện, máy móc, dụng cụ để tổng dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, khu vực công cộng, các điểm còn tồn đọng rác thải, cành cây đổ, gãy…; góp phần khắc phục nhanh chóng, giữ gìn cảnh quan đô thị, môi trường huyện.
Điện lực Hải Hà nhanh chóng ra quân khắc phục sự cố điện gãy đổ cột điện để đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn.
Đông Triều: Kiểm tra, khắc phục thiệt hại hậu quả sau cơn bão số 3
Từ sáng nay, TX Đông Triều đã chia 3 đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra trên địa bàn.
Số liệu sơ bộ thống kê, toàn địa bàn thị xã bị mất điện, tổng số cột điện bị đổ gãy là 277 cột (trong đó có 1 cột cao thế 110KV tại xã Bình Khê); số nhà bị tốc mái 3.885 nhà; số cây bị đổ gãy là 5.928 cây; diện tích hoa màu 208ha; diện tích lúa 183ha.
Đáng chú ý, tại xã Bình Khê, Tràn Nông Trường mực nước cao 2m so với mặt đường; tại điểm Miếu Hương vào thôn Quán Vuông, Tràn Phú Ninh vào thôn Bến Vuông và Tràng Lương, người dân đã bị cô lập hoàn toàn.
Hiện các địa phương của TX Đông Triều tiếp tục huy động tối đa lực lượng, phương tiện tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, nhất là ưu tiên thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, phối hợp xử lý sự cố điện lưới hạ thế trên địa bàn; thực hiện tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường, tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến đường giao thông. Đồng thời, các lực lượng hỗ trợ sửa chữa nhà ở của dân; dọn dẹp cây xanh, cột điện, mái tôn bị đổ, bay chắn ngang đường; hỗ trợ người dân ở các khu vực bị cô lập do nước dâng cao ngập tràn do hoàn lưu sau cơn bão.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường tiếp tục rà soát, túc trực tại những khu vực ngầm, tràn (nếu có mưa lớn, nước lũ dâng cao) và sẵn sàng các phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do ảnh hưởng mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra về sản xuất, cũng như ảnh hưởng đời sống của nhân dân.
Cẩm Phả nhanh chóng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân
Hậu quả của bão số 3, TP Cẩm Phả thiệt hại 298 nhà ở tốc mái, 1.122 mái chống nóng bị tốc, 223 cột điện bị gãy đổ tại đường quốc lộ và thôn bản; 8.385 cây xanh bị đổ, gãy;… Thời điểm này, TP Cẩm Phả đang huy động tối đa nhân lực, vật lực và vận động quần chúng nhân dân cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh, khắc phục các ảnh hưởng do bão gây ra.
Người dân Hạ Long khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
LLVT TP Hạ Long: Huy động 100% quân số hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão số 3
TP Hạ Long là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố, ngay sau khi cơn bão đi qua, Ban CHQS TP Hạ Long và đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Hạ Long đã huy động 100% lực lượng phối hợp cùng chính quyền địa phương khơi thông toàn bộ khu vực ách tắc trên trục QL18 qua địa phương, đường Trần Quốc Nghiễn, quốc lộ 279 bảo đảm giao thông thông suốt. Đồng thời, phối hợp cùng địa phương, nhân dân trên địa bàn tổ chức thu dọn cây xanh bị gãy đổ, dọn dẹp rác, vệ sinh lại đường phố, khu dân cư; di chuyển nhân dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở… giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
TP Hạ Long tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả sau bão
Để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, toàn thành phố đã huy động trên 1.500 người là lực lượng tại chỗ trên địa bàn 33 xã, phường; gần 600 người của các đơn vị lực lượng vũ trang, ngành than; trên 250 phương tiện, máy móc, thiết bị đến những khu vực bị thiệt hại nghiêm trọng...
Thành phố cũng kiện toàn hoạt động các Đội xung kích phòng chống thiên tai, thành lập các đội tình nguyện khắc phục hậu quả sau mưa bão. Trong đó ưu tiên hỗ trợ người dân thu dọn, xử lý, khắc phục cây cối gãy đổ, công trình bị hư hại, bảo đảm giao thông thông suốt, ưu tiên các trục đường giao thông chính và tuyến đường vào các bệnh viện (tuyến Quốc lộ 18A, Tỉnh lộ 279, đường Bao biển Hạ Long - Cẩm Phả...), các trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước (Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, UBND thành phố…) để đảm bảo điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão toàn diện và nhanh chóng nhất.
Học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 9/9 để tập trung khắc phục hậu quả mưa bão
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 8/9/2024 về việc tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong đó, tùy điều kiện cụ thể, Giám đốc Sở GD&ĐT, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động quyết định cho phép nghỉ thêm 1-2 ngày tùy từng điều kiện.
Để tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày thứ 2, ngày 9/9.
Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh gây thiệt hại nặng nề, trong đó nhiều trường học tại các địa phương bị hư hỏng. Đến thời điểm này, mọi công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 vẫn đang được tỉnh Quảng Ninh, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện với quyết tâm đảm bảo ổn định sớm nhất đời sống người dân.
TX Quảng Yên: Cuộc sống người dân dần ổn định sau bão
TX Quảng Yên là một trong số các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Ngay sau khi cơn bão đi qua, địa phương đã huy động tất cả các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thuận lợi, nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân.
Ba Chẽ sẵn sàng ứng phó nguy cơ lũ sau bão
Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, sáng nay 8/9, các đồng chí lãnh đạo huyện Ba Chẽ đã đi kiểm tra thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm 06/9 đến chiều ngày 07/9 trên địa bàn huyện có mưa to gây lũ trên sông Ba Chẽ và các sông suối vừa, nhỏ khác làm ngập ngầm tràn thị trấn và một số tuyến đường liên thôn, xã.
Từ 11 giờ ngày 07/9 đến 16 giờ chiều ngày 07/9 trên địa bàn huyện đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 làm mất toàn bộ lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc; gẫy đổ nhiều cây xanh, cây lâm nghiệp; làm tốc mái nhà ở, mái che, mái vẩy của một hộ dân, trụ sở một số cơ quan, trường học, nhà văn hóa; làm nghiêng đổ khoảng 80% số cây xanh, bóng mát; đổ, gẫy, hỏng 40 mặt pano tấm lớn và hơn 100 pano nhỏ; gây sạt lở nhẹ một số vị trí trên các tuyến tỉnh lộ 342 và một số tuyến đường huyện, xã; gây ngập 15 ha lúa màu và một số hộ dân tại khu phố 4, khu phố 5 thị trấn Ba Chẽ. Đặc biệt, bão làm gẫy, đổ khoảng trên 10.000ha cây keo, chiếm 30% - 50% tổng diện tích cây keo trên địa bàn huyện… Mặc dù bị thiệt hại lớn về tài sản, song nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” trên địa bàn huyện không để xảy ra thiệt hại về người, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân.
Qua kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo huyện Ba Chẽ yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện tới cơ sở, khẩn trương, nhanh chóng tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại về nhà ở, tài sản, máy móc thiết bị, công trình, cây cối, hoa mầu. Khắc phục hệ thống điện, mạng Viettel, Mobifone; huy động lực lượng xung kích cùng với người dân hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị tốc mái, thu dọn cây cối bị gẫy đổ trên các tuyến đường giao thông, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân...
Hải Hà: Công an xã Quảng Đức hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3
Ngay sau bão số 3, Công an xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả của bão gây ra trên địa bàn.
Công an xã đã cùng các ban ngành, đoàn thể xã Quảng Đức dọn dẹp, cắt dọn gần 400 cây xanh gãy đổ trên tuyến đường từ bản Tài Phố đi bản Vắn Tốc lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh; hỗ trợ nhân dân sửa sang nhà cửa bị hư hỏng sau bão. Đơn vị cũng tổ chức thăm hỏi, động viên người dân tránh trú bão tại 12 nhà văn hóa các bản; tặng quà 18 hộ gia đình bịuà 18 hộ gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão tại 2 bản Tài Phố, Lý Nà.
Trước đó, ngày 7/9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Công an xã Quảng Đức cùng với các đoàn thể chính trị của xã đã tổ chức di dời 50 hộ dân có nhà yếu, có nguy cơ tốc mái đến nơi an toàn; cưỡng chế 01 hộ dân tại bản Pò Hèn di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn. Khi bão đến, Công an xã đã phối hợp với UBND xã chặt hạ hơn 200 cây xanh đổ gãy bên đường các bản Nà Lý, Pặc Này; khơi thông các ngầm tràn bị tắc dòng chảy trên địa bàn để hạn chế tình trạng lũ, ngập úng cục bộ.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh liên tục cập nhật công tác khắc phục hậu quả của bão...
Liên kết website
Ý kiến ()