Liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo, Quảng Ninh cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Những thành tựu mà tỉnh đạt được thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đây chính là hành trang quan trọng để Quảng Ninh tiến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, trung tâm du lịch quốc tế…
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của mình. Hiếm có địa phương nào mà sự đổi mới lại diễn ra hằng tuần, hằng tháng như ở Quảng Ninh, kể cả trong những thời điểm cực kỳ khó khăn như 2 năm gần đây khi dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác hoàn thiện cầu Tình Yêu (cầu Cửa Lục 1) ngày 30/12/2021. Ảnh: Đỗ Phương |
Điều này cũng được minh chứng rõ nét trong những chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương và các chuyến thăm học tập kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành phố trong nước, các đại biểu đều bày tỏ ấn tượng về sự đổi mới của tỉnh Quảng Ninh. Gần đây nhất, cuối tháng 10/2021, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã đánh giá: “Trong bối cảnh cả thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng tôi thật sự ấn tượng về những kết quả Quảng Ninh đã đạt được. Đây là một trong số ít địa phương dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để có được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như hiện nay. Trong đó đặc biệt ấn tượng trước sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh cũng như sự thông thoáng về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh... Tôi hoàn toàn tin tưởng với phương thức thu hút đầu tư như Quảng Ninh hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Quảng Ninh sẽ có hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ du lịch rất mới, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững".
Để có được những thành công đó là sự kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây. Với khát vọng phát triển, bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững...
Cầu Tình Yêu - cầu 6 làn xe đầu tiên của Quảng Ninh nối đôi bờ Vịnh Cửa Lục, được đưa vào khai thác và thông tuyến ngày 1/1/2022. |
Chia sẻ về những bước đi, cách làm của tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: Trên cơ sở đường lối, chủ trương chung của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Trong đó có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn… Ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo các thế hệ của Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Bắc với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Đặc biệt, trên quan điểm, mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, chỉ riêng giai đoạn gần đây, tỉnh đã ban hành trên 20 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Hiện Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Lễ khởi công Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh. |
Trong 2 năm gần đây, đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn chưa từng có không chỉ của mỗi địa phương mà còn là ở quy mô quốc gia, quốc tế, nhưng Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy đổi mới không ngừng. Các đối sách với đại dịch của tỉnh luôn chủ động, đi trước, đón đầu, thể hiện qua phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, để từ đó thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vừa ổn định kinh tế - xã hội, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới…
Bày tỏ tự hào về sự phát triển đột phá của Quảng Ninh hôm nay, ông Nguyễn Duy Nhượng (trú phường Trần Phú, TP Móng Cái), nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái), chia sẻ: Những năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh và nâng cao hơn nữa đời sống - xã hội. Những thành quả này thực sự rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào. Điều này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để tỉnh Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo.
Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 quyết tâm xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Hạ tầng đô thị Quảng Ninh ngày càng hiện đại, văn minh. |
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định 4 quan điểm, định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 15 đề án, chương trình trọng điểm… Cùng với đó, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, chủ động hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045.
Nhận xét về bước đi, cách làm của Quảng Ninh, Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management, chia sẻ: Khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo đã mang lại bước phát triển cho Quảng Ninh, khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, mang lại một mô hình phát triển kinh tế bền vững, đột phá mà nhiều địa phương hiện đang cố gắng vươn lên có thể tham khảo. Quảng Ninh đang dần hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị bền vững và đội ngũ lãnh đạo có tầm, dám quyết, dám làm, chắc chắn tỉnh sẽ đạt được những thành tựu đặt ra như mong đợi.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tạo bước tiến vượt bậc về các chỉ số PCI, PAR Index của tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ninh. |
Định hình không gian phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quảng Ninh không chỉ vươn lên tầm cao mới, mà còn khẳng định bước đột phá cho vùng đất trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trước mắt, bên cạnh quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặt ra cho năm mới 2022 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở kế thừa tiếp thu các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Với những bước phát triển đột phá, Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. |
Quảng Ninh hôm nay đã và đang thực sự đổi khác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới của vùng phên dậu phía Đông Bắc Tổ quốc. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Còn đối với mỗi công dân của Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương sẽ tiếp tục hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ý kiến ()