Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:49 (GMT +7)
Quảng Ninh tạo đột phá về hạ tầng giao thông
Thứ 7, 13/09/2014 | 05:24:47 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc nhưng có nhiều đặc điểm riêng biệt khác với các tỉnh, thành phố khác trong vùng. Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt đối với vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có 118,5km đường biên giới trên bộ giáp với Trung Quốc; có khoảng 250km bờ biển trải dài khắp chiều dài của tỉnh với nhiều điểm rất thuận lợi cho việc phát triển hệ thống cảng biển nước sâu; có Khu kinh tế Vân Đồn và 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu: Hoành Mô (Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (Hải Hà) và KKT cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Phát huy lợi thế đó, trong nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của cả nước. Đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai, quyết tâm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, điện, nước... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế phát triển dịch vụ là chủ yếu, giảm dần lệ thuộc vào khai thác than và đất là những tài nguyên không tái tạo, có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống trên địa bàn tỉnh. Được sự quan tâm của Trung ương trong thời gian qua nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư như: Cầu Bãi Cháy, cầu Ba Chẽ, cầu Vân Đồn, QL18A đoạn Mông Dương - Móng Cái, QL18C, nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Uông Bí, các tuyến đường ra biên giới, cửa khẩu, đường tránh khu vực nội thị. Vừa qua đã động thổ đoạn Uông Bí - Bắc Ninh và đang kêu gọi, xúc tiến đầu tư Cảng hàng không Vân Đồn, quốc lộ Nội Bài - Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cảng biển Hải Hà...
Nhìn bức tranh tổng thể về hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có thể thấy đang từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đó là: Hệ thống cảng biển đã được nâng cấp và mở rộng đối với các cảng quan trọng như cảng Cái Lân, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư xây dựng Cảng biển và Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc tại TX Quảng Yên để nâng cao khả năng thông qua của Cảng cửa ngõ Lạch Huyện, phục vụ Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc; kêu gọi đầu tư các cảng Vạn Gia (TP Móng Cái); Mũi Chùa, Vạn Hoa (Vân Đồn)... nhằm tăng năng lực hàng hoá thông qua cảng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá cho các tỉnh trong vùng và các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và KKT Vân Đồn thông qua cảng Vạn Hoa và Mũi Chùa. Về hệ thống đường bộ, đến nay về cơ bản hầu hết các tuyến đường trong tỉnh đều đã và đang được tập trung đầu tư hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phục vụ giao thương hàng hoá trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt hệ thống giao thông liên vùng được khẩn trương đầu tư như sân bay Vân Đồn, các tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái. Điển hình với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km được Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý cho tách thành 2 dự án độc lập đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau, gồm: Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT, với kinh phí dự án 7.388 tỷ đồng do Tập đoàn SE - Nhật Bản đang triển khai các thủ tục đầu tư; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, chiều dài 19,8km, tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng. Ban đầu triển khai đầu tư theo hình thức BT bằng ngân sách, nhưng sau có Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và dừng đầu tư theo BT bằng ngân sách, tỉnh Quảng Ninh báo cáo và được Chính phủ quyết định dừng đầu tư theo hình thức BT cho phép đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (tỉnh Quảng Ninh tự bỏ kinh phí đầu tư). Đây là công trình tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao cho địa phương làm chủ đầu tư và chủ động bố trí vốn thi công. Tỉnh Quảng Ninh đã xác định dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành có ý nghĩa to lớn không những về giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ mà còn có ý nghĩa liên kết kinh tế vùng động lực phía Bắc, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động: Hạ Long, Quảng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và các Khu công nghiệp quan trọng phía Bắc. Vì vậy thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là chuẩn bị hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật, phương án thi công, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư triển khai dự án. Đến nay, dự án đã đảm bảo thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, với kinh phí đã huy động 6.400 tỷ đồng, trong đó đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương; bố trí 600 tỷ đồng vượt thu năm 2013; HĐND tỉnh biểu quyết 4.000 tỷ đồng từ năm 2014 đến 2017 dành cho đầu tư tuyến đường.
Tuyến đường bao núi Bài Thơ tạo nét chấm phá cho trung tâm TP Hạ Long. |
Để thực hiện tốt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tới đây sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ cho phép triển khai ngay Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 52km theo hình thức BOT đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư; cảng hàng không Vân Đồn; quốc lộ Nội Bài - Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; cảng biển Hải Hà. Với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc, Quảng Ninh với quyết tâm chính trị cao, được sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ chắc chắn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, lôi kéo các địa phương khác trong vùng phát triển.
Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()