Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:14 (GMT +7)
Gìn giữ “rừng vàng - biển bạc”
Thứ 2, 09/01/2023 | 08:46:51 [GMT +7] A A
Với quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các mục tiêu phát triển KT-XH: “Không đánh đổi môi trường thiên nhiên lấy tăng trưởng nóng, thiếu bền vững”, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt giải pháp mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên, quyết tâm gìn giữ “rừng vàng - biển bạc”.
Giải pháp phát triển bền vững
Với những giá trị ngoại hạng toàn cầu đã được thế giới công nhận, vịnh Hạ Long có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, vịnh Hạ Long cũng đang gánh chịu nhiều áp lực lớn về môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhận thức được nguy cơ hiện hữu, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn Di sản vịnh Hạ Long. Qua đó, đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp và khách du lịch.
Hiện tại, tỉnh đã đầu tư 40 hệ thống máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát... lắp đặt các thiết bị phân ly dầu - nước trên 100% tàu du lịch. Bên cạnh đó, các công trình nổi tại khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản đã được thay thế phao xốp bằng những vật liệu bền vững, thân thiện môi trường.
Công tác phòng, chống rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long cũng được Ban Quản lý vịnh Hạ Long và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhận được sự ủng hộ và vào cuộc nghiêm túc của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh. Nhờ đó, các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long đã giảm trên 90% rác thải nhựa so với giai đoạn 10 năm trước… Tỉnh cũng đã khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 5 khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý hiếm, đặc hữu trên vịnh Hạ Long, bảo tồn các loại thực vật quý; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc đề án cải thiện môi trường tỉnh; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ; di dời toàn bộ nhà bè trên vịnh…
Đồng thời, tích cực tham vấn các chuyên gia để xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long; xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trao đổi bên lề Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF 17) tổ chức tại Quảng Ninh cuối tháng 10/2022, PGS.TS. Lưu Thế Anh (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay: Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Trong đó, tập trung vào các giải pháp chiến lược như về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch…
Cùng với định hướng rõ ràng trong bảo vệ môi trường Di sản - Kỳ quan vịnh Hạ Long, Quảng Ninh cũng dành nguồn lực thỏa đáng để bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, hơn 300.000ha, tương đương gần 90% diện tích rừng toàn tỉnh đã được giao cho hơn 23.000 hộ gia đình và 59 tổ chức quản lý, chăm sóc, trồng mới và phát triển kinh tế rừng bền vững. Đây là bước tiến quan trọng đảm bảo rừng được bảo vệ, đảm bảo thành quả trồng rừng, giữ rừng, đồng thời ngày càng làm giàu, phát triển rừng, sản sinh thêm giá trị cho rừng.
Tỉnh cũng đã khoanh vùng các khu vực đầu nguồn, quy hoạch và phân loại rừng đặc dụng, phòng hộ, xúc tiến thành lập vườn, rừng quốc gia, các ban quản lý rừng… Nhờ đó, đã giữ lại cho Quảng Ninh những khu rừng giàu hiện nay như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, rừng phòng hộ Yên Lập, Rừng quốc gia Yên Tử, Vườn quốc gia Bái Tử Long, rừng Quảng Nam Châu, rừng phòng hộ Ba Chẽ… Công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo các hoạt động về ngăn ngừa tàn phá rừng, lấn chiếm rừng, PCCR… ngày càng hiệu quả từ đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương đến từng chủ rừng, người dân, là điều kiện cần thiết để Quảng Ninh bảo vệ, phát triển bền vững rừng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thanh Khương, cho biết: Hiện Quảng Ninh đang có trên 337.000ha rừng, trong đó có gần 123.000ha rừng tự nhiên với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, có giá trị đa dạng sinh học cao. Tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 54,7%, đứng trong tốp các địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Rừng hiện đang mang lại việc làm cho khoảng 60.000 lao động với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Lũy kế mỗi chu kỳ rừng trồng 6 năm, mỗi chủ rừng có thể đạt thu nhập tối thiểu 200 triệu đồng/diện tích tối đa 2ha đất rừng được giao. Hiện tỉnh đang tích cực triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, cũng như hỗ trợ người dân trồng cây bản địa trên đất rừng sản xuất, đặc biệt là những cây giá trị cao, như thông, lim, sở… Từ đó, hình thành và phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Kiên định chiến lược phát triển xanh
Thời gian qua, Quảng Ninh đã kiên định, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp, lộ trình thực hiện bài bản, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, quyết tâm phát triển KT-XH bền vững, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này được thể hiện rõ trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, điển hình là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do tư vấn Hoa Kỳ lập; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Nhật Bản lập…
Nghị quyết 236/NQ-HĐND (ngày 12/12/2015) của HĐND tỉnh khóa XII ban hành Bộ quy chuẩn bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh, tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 236, công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt; tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ và đột phá trong công tác quản lý bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Môi trường trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát; việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường không khí đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động… Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng, người dân, tổ chức, doanh nghiệp và du khách ngày càng được nâng cao; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường từng bước được hạn chế...
Hằng năm, tỉnh dành không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh dành gần 4.300 tỷ đồng cho kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, ngày 7/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017- 2020. Theo đó, phí bảo vệ môi trường từ khai thác than được điều tiết 100% cho ngân sách các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về môi trường.
Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp phù hợp, quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, xử lý triệt để những vấn đề “nóng” liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, như: Di chuyển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào CCN ở các địa phương; từ chối đầu tư những dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ để giảm phát thải, cải thiện môi trường; thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; xử lý dứt điểm 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật…
Việc dành nguồn lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học đã giúp Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu về môi trường đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020) tỉnh đã hoàn thành và vượt mức. Đáng chú ý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%… Từ đó, tạo tiền đề và động lực cho cả hệ thống chính trị, người dân toàn tỉnh tiếp tục chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, đóng góp vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()