Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:19 (GMT +7)
Quảng Ninh: "Vượt sóng" hoàn thành kế hoạch năm
Thứ 3, 05/11/2024 | 05:29:55 [GMT +7] A A
Năm 2024, Quảng Ninh thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn. Đặc biệt, cơn bão số 3 không chỉ gây thiệt hại về cơ sở vật chất, những mất mát về con người, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn tác động mạnh mẽ khiến hầu hết các lĩnh vực đều không đạt tiến độ theo kịch bản. Song đối mặt với những khó khăn đó, Quảng Ninh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm nay.
Sát cánh cùng người dân và doanh nghiệp
Ngay sau cơn bão số 3, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau cơn bão số 3 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, phấn đấu xây dựng, hoàn thành Đề án trong năm 2024.
Đặc biệt, bằng tinh thần khẩn trương, tích cực, thiết thực, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão tại Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND ngày 23/9/2024, Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND ngày 23/9/2024 của HĐND tỉnh. Đến nay, tỉnh đã phân bổ kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội với tổng kinh phí 128,141 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí hỗ trợ học phí 72,1 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội 38.500 triệu đồng, kinh phí sửa chữa công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai 17.463 triệu đồng.
Trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã báo cáo đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, nghiên cứu có một số cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 như: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, khoanh nợ cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng, cơ chế về cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo....
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại của bão, ổn định sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.253 khách hàng với dư nợ 868,3 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay đối với 5.186 khách hàng với tổng dư nợ 15.986 tỷ đồng; thực hiện gia hạn nợ cho 501 lượt khách hàng với số tiền 12,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Thông qua hội nghị, đối thoại, trao đổi cho thấy, điều các doanh nghiệp và người dân mong mỏi nhất đó chính là có các chính sách tín dụng riêng dành cho đối tượng bị thiệt hại bởi bão số 3 để giảm gánh nặng về chi phí, có thêm nguồn lực, từng bước phục hồi như: Khoanh nợ, vay vốn không có tài sản đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ xử lý rủi ro… Do đó, NHNN chi nhánh Quảng Ninh đang tiếp tục đề nghị NHNN Việt Nam xem xét ban hành theo thẩm quyền và báo cáo, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cho phép mở rộng đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ, chính sách riêng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ, chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, tính đến hết tháng 10/2024, MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 2.482 tập thể, cá nhân đăng ký và ủng hộ 89,92 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật. Trên cơ sở đó, MTTQ tỉnh đã chi hỗ trợ khẩn cấp (đợt 1) 10,3 tỷ đồng cho 10.300 hộ dân trên tại 13 địa phương với mức chi 1 triệu đồng/hộ và phân bổ hiện vật kịp thời. Hiện, MTTQ tỉnh đang tiếp tục rà soát để phân bổ kinh phí 76,5 tỷ đồng đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Kiên định với mục tiêu
Tại kết luận số 1169-KL/TU ngày 11/10/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình, kết quả công tác 9 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm phấn đấu năm 2024 giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số, thu ngân sách nhà nước (NSNN) không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI đạt 3 tỷ USD, tổng khách du lịch đạt trên 19 triệu lượt.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10, 21/33 chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng mới điều chỉnh hiện chưa đạt tiến độ đề ra đã tạo thách thức rất lớn trong hoàn thành thực hiện kịch bản tăng trưởng quý IV cũng như cả năm 2024. Do vậy, tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành phải hết sức nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3; gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đang tích cực, khẩn trương, chủ động tháo gỡ khó khăn, vượt lên thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Đối với lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là du lịch, các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách; sớm đưa vào khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long; tổ chức sản phẩm biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc nhẹ trong một số hang động đủ điều kiện trên Vịnh; xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách tỷ phú, siêu sang thuộc 1% dân số thế giới.
Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức lễ hội mang bản sắc riêng, góp phần hình thành sản phẩm du lịch thu đông hấp dẫn, thu hút du khách như: Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024; Tuần Văn hóa du lịch Bình Liêu năm 2024; Lễ hội Mùa vàng miền soóng cọ Đại Dực năm 2024…
Đặc biệt, đầu tháng 11 vừa qua, chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang Vietcharm Show - Việt Nam gấm hoa đầu tiên đã được tổ chức. Đây là chương trình gồm các tiết mục đặc sắc là sự hòa trộn vừa truyền thống vừa hiện đại nhằm tôn vinh vẻ đẹp trang phục các dân tộc Việt Nam trên nền "bữa tiệc" về âm thanh, ánh sáng với các tiết mục đặc sắc như: Một cõi trời Nam, Sắc Việt, Cô đôi thượng ngàn, Mùa ban nở, Trăng ngự bình và Vó ngựa phương Nam. Giai đoạn 1, từ nay đến ngày 30/4/2025, chương trình biểu diễn sẽ mở cửa với tần suất 2 suất/ngày và theo đặt hàng, yêu cầu của các đoàn khách. Chương trình là sản phẩm du lịch mới gia tăng sức hút cho du lịch TP Hạ Long và Quảng Ninh, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách trong năm 2024.
Lĩnh vực được đánh giá tiếp tục sẽ có đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, các đơn vị đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thành đầu tư dự án, bổ sung các sản phẩm mới theo đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào KCN, KKT. Đặc biệt, các đơn vị cũng tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, phấn đấu đưa vào vận hành nhà Nhà máy ô tô Thành Công trong quý IV/2024; phấn đấu khởi công nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý VI/2024; tập trung đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy chủ đầu tư các dự án đầu tư trong KCN, KKT đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư...
Anh Phạm Duy Trang, Quản đốc Phân xưởng Khai thác 15, Công ty Than Mạo Khê, cho biết: Năm 2024, Công ty Than Mạo Khê đặt mục tiêu khai thác 2,48 triệu tấn than (sản lượng cao nhất từ trước đến nay). Tuy nhiên, Công ty là một trong những đơn vị của TKV bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Từ sau bão đến nay, cán bộ, công nhân, lao động tại phân xưởng huy động tối đa nhân lực, tập trung sản xuất, đảm bảo tuyệt đối an toàn phấn đấu vượt 10-15% sản lượng khai thác được giao.
Với số thu ngân sách đặt ra không thấp hơn 55.600 tỷ đồng là một thách thức không nhỏ, tỉnh đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phát huy vai trò của tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước năm 2024; rà soát các nguồn thu, khoản thu còn dư địa, phấn đấu tăng thu từ thuế, phí nội địa, thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp nguồn thu bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng thuế. Đồng thời, theo dõi, triển khai công tác thu, đặc biệt là các doanh nghiệp trọng điểm; tập trung vào các sắc thuế đang có tiến độ thu tốt; quyết liệt thu tiền thuê đất của các dự án, các tổ chức, cá nhân đã được cho thuê đất hết thời gian thuê đất chưa gia hạn hợp đồng, các trường hợp sử dụng đất chưa nộp tiền thuê đất. Đôn đốc, thu hồi dứt điểm nợ thuế và các khoản thu từ đất của dự án kéo dài nhiều năm.
Sự quyết tâm của tỉnh, vào cuộc quyết liệt của sở, ngành, địa phương, nỗ lực vượt khó của người dân và doanh nghiệp là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong bối cảnh chồng chất khó khăn. Việc hoàn thành mục tiêu này càng có ý nghĩa quan trọng khi năm 2024 là năm tăng tốc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Hạ An - Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()