Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:03 (GMT +7)
Quốc hội cho ý kiến về một số dự thảo luật
Thứ 3, 31/05/2022 | 18:46:34 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 31/5, Quốc hội đã cho ý kiến về một số dự thảo luật.
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường. Tại phiên thảo luận, đã có 18 lượt đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đều trên tinh thần xây dựng, có tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả những ý kiến, đề xuất đều được Ban Thư ký phiên thảo luận ghi chép đầy đủ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các đơn vị hữu quan tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trên cơ sở đồng tình với các nội dung của dự án luật, nhiều đại biểu cho ý kiến đề xuất liên quan tới phạm vi đối tượng áp dụng, quy định về các hành vi bạo lực gia đình, biện pháp xử lý, thông tin truyền thông giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình…
Tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, về đối tượng áp dụng yêu cầu làm rõ thành viên gia đình và giải thích rõ cụm từ này. Còn ở điều 4, bổ sung toàn diện các hành vi bạo lực gia đình nhưng còn có 1 hành vi mang tính gián tiếp, thành viên này là nguyên nhân để 2 thành viên khác có bạo lực với nhau thì trường hợp này cũng phải đưa vào.
Còn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Thị Kim Nhung, nhấn mạnh, quy định tại khoản 1, điều 4 về hành vi bạo lực gia đình thì chưa rõ hành vi nào hoặc ở mức độ như thế nào thì được áp dụng xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự, mức độ nào thì áp dụng theo luật phòng, chống bạo lực gia đình. Vấn đề này cần được phân loại và làm rõ.
Cũng trong buổi chiều, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến liên quan tới phạm vi, đối tượng của dự thảo Luật; tính đầy đủ của các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động, việc tổ chức hội nghị người lao động…
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Lê Minh Chuẩn, cho rằng, quy định ở điều 45 về nội dung người sử dụng lao động phải công khai rõ lý do không tiếp thu ý kiến tham gia của người lao động trước khi quyết định ban hành các văn bản, nhằm đảm bảo ý kiến tham gia của người lao dộng đều được tôn trọng lắng nghe, không mang tính áp đặt, hạn chế bức xúc khiếu kiện…
Ngày mai 1/6, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()