Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:20 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Thứ 2, 30/05/2022 | 18:15:41 [GMT +7] A A
Ngày 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.
Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan, cho rằng việc lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là hợp lý, kịp thời để rà soát những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Hiện nay các quy hoạch đều được lập đồng thời, chưa có Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành làm cơ sở lập quy hoạch tỉnh.
Các quy hoạch đang lập đều thực hiện tích hợp quy hoạch theo điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; quy hoạch cấp thấp hơn có thể được phê duyệt trước. Tuy nhiên, quy hoạch cấp thấp hơn không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn. Nếu không có cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu liên quan trong quá trình lập quy hoạch sẽ dẫn đến có thể phải điều chỉnh nhiều quy hoạch cấp thấp hơn, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng phát triển KT-XH. Do vậy, đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cần cung cấp thông tin đã được Chính phủ thống nhất cho các bộ, cấp tỉnh về: Mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH, kịch bản phát triển; không gian phát triển hạ tầng kết nối, dự án ưu tiên đầu tư phát triển vùng, liên vùng; định hướng phát triển vùng, các ngành ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Các bộ, ngành, tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch để phục vụ việc tích hợp quy hoạch và lập các quy hoạch quốc gia nhằm bảo đảm nguyên tắc lập quy hoạch trên xuống, dưới lên, có tham gia nhiều bên và bảo đảm mối quan hệ giữa các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và giảm thiểu các quy hoạch phải điều chỉnh sau phê quyệt.
Thứ hai, theo nhiệm vụ lập quy hoạch của các ngành chưa thống nhất về phạm vi đối tượng lập quy hoạch liên quan hệ thống hạ tầng thuộc ngành. Đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc ngành mình quản lý có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phân cấp cho cấp tỉnh lập quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và tạo sự chủ động trong việc bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Thứ ba, đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, như khu dân cư đô thị, nông thôn; hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, giữa dân số với phát triển; kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn. Đồng thời bảo đảm quy hoạch phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện có tính khả thi cao, tránh quy hoạch dự án đầu tư nhiều năm không thực hiện dẫn đến dự án treo, ảnh hưởng đời sống người dân bị thu hồi đất và lãng phí đất đai.
Về phân bổ chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho địa phương còn có lĩnh vực chưa sát thực tế, nhưng chỉ tiêu này là cơ sở để lập quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp huyện và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Do đó, nhiều địa phương còn vướng mắc trong thực hiện bố trí không gian lập quy hoạch theo định hướng phát triển KT-XH và tuân thủ các quy hoạch cấp cao hơn, trong điều kiện chỉ tiêu được giao thấp hơn nhu cầu thực tế. Đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan phối hợp với địa phương, khảo sát thực tế trước khi đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử sụng đất 5 năm để làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho địa phương làm cơ sở lập quy hoạch sát thực tế hơn.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, việc nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính đã được cấp ủy đưa vào nghị quyết, kế hoạch từ rất sớm, thể hiện tầm nhìn dài hạn, có tính quy hoạch, định hướng cao, bởi vậy họ không chỉ sắp xếp lại các đơn vị chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định mà còn chủ động thực hiện sắp xếp cả đối với các đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích gắn với việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương và kết quả thực hiện cho đến thời điểm này là hết sức khả quan. Có thể ví dụ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh khi thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long hay nhập 3 xã vào thị trấn Quảng Hà thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Do vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và Quy hoạch đơn vị hành chính của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch quốc gia hoặc là bổ sung nội dung quy hoạch này thành 1 nội dung tích hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch cấp tỉnh để làm cơ sở, định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên phạm vi cả nước đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.
Kết luận ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()