Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 13:54 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm; thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022
Thứ 3, 08/11/2022 | 18:20:03 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tại phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe các báo cáo: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; báo cáo về công tác thi hành án năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Đồng thời, Quốc hội cũng nghe các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội liên quan đến các nội dung trên.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác tư pháp xét xử, thi hành án năm 2022.
Đại biểu cho biết, các báo cáo đã cho thấy kết quả bước đầu việc triển khai phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đã đánh dấu bước đột phá về cải cách tư pháp của hệ thống tòa án. Cơ quan có thẩm quyền đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, các tòa án cũng đã tích cực triển khai thực hiện các phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc như: cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ, các điểm cầu bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị.
Để đảm bảo công tác triển khai phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt là những khó khăn, bất cập để có giải pháp thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, phát huy hiệu quả Tòa án điện tử, Trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án nhân dân tối cao, tập trung đầu tư cơ sở vật chất thiết bị xét xử trực tuyến đảm bảo đồng bộ công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.
Cũng trong phiên thảo luận đã có 33 đại biểu tham gia phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung: Tập trung hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng vặt; đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, minh bạch; cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tội phạm giết người; nguy cơ mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng; kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; quan tâm đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai… Ý kiến của các đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp thu, giải trình, làm rõ tại phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tham gia thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu sâu sắc, phân tích thêm rất cụ thể, thiết thực về hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, sửa đổi bổ sung một số luật và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, trọng tài, thi hành án với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó “phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu của các đại biểu để xây dựng Nghị quyết và sẽ có báo cáo tiếp thu giải trình, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 4.
Nguyễn Thanh
- Đại biểu Quốc hội hiến kế cách chọn 'biển số đẹp' để đấu giá
- Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ và hội trường về một số Nghị quyết và dự án luật quan trọng
- Quốc hội thảo luận về việc đấu giá biển số xe ô tô
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
- Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội vụ
Liên kết website
Ý kiến ()