Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 14:26 (GMT +7)
Bài dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Quyết tâm vực dậy cây chè Hải Hà: Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
Thứ 2, 04/10/2021 | 16:33:07 [GMT +7] A A
Bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, nghề trồng chè ở huyện Hải Hà ngày càng gặp nhiều khó khăn, tưởng như đã đến hồi thoái trào sau hơn 60 năm cây chè xanh “bén duyên” với đất và người Hải Hà. Đề án “Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao huyện Hải Hà, giai đoạn 2016-2020” chính là cách mà cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hiện thực hóa quyết tâm giữ gìn, vực dậy thương hiệu chè truyền thống. Trong đó phải nói tới sự đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Quảng Long, nơi được gọi là “vựa chè” của huyện Hải Hà.
Giải pháp của Chi bộ Đảng vùng chè
Cây chè thân thuộc trong mỗi gia đình người dân xã Quảng Long (huyện Hải Hà) gần 60 năm qua, kể từ khi những người công nhân trồng chè đầu tiên đến vùng đất biên giới Hải Hà để xây dựng Nông trường chè. Nhưng rồi vào những năm 2010-2015, chè tươi ngày càng rớt giá, nghề trồng chè bước vào giai đoạn thoái trào. Nguyên nhân một phần do Công ty CP Chè Đường Hoa giải thể, thương lái o ép; lại thêm KCN Cảng biển Hải Hà bắt đầu đi vào hoạt động, thanh niên có sức vóc hầu hết đều đi làm công nhân chứ không còn nhiều mặn mà với nghề nông… Cũng vì không được chăm sóc khiến cây chè sâu bệnh, cằn cỗi. Đã có hàng ngàn gốc chè bị đốn hạ, 2/3 diện tích trồng chè chuyển đổi sang trồng keo và hoa màu. Những người thiết tha với cây chè không khỏi xót xa.
Đứng trước thực tế đó, huyện Hải Hà đã xây dựng Đề án “Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao huyện Hải Hà, giai đoạn 2016-2020”, triển khai chính tại địa bàn xã Quảng Long, vựa chè của huyện. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Chi bộ thôn 7 của xã Quảng Long chính là chi bộ đầu tiên trong Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết, quyết tâm khôi phục vùng chè.
Chi bộ thôn 7 có 16 đảng viên, trong đó có đến 8 người trên 55 năm tuổi Đảng, đều từng là những công nhân trồng chè của Nông trường chè xưa, cả đời gắn bó, vui buồn cùng cây chè. Ông Đỗ Nguyên Lâm, một đảng viên lão thành chia sẻ: “Trước thực tế nhiều người dân trong thôn bỏ nghề chè đi làm ở khu công nghiệp, Chi bộ chúng tôi đã xác định, thôn 7 muốn phát triển kinh tế lâu dài thì phải đi bằng hai chân, cả công nghiệp và nông nghiệp. Công nhân đi lao động ở khu công nghiệp cũng chỉ 40 tuổi trở ra là khó rồi, sau 40 tuổi thì làm gì sống? Phải vận động bà con hiểu được như thế”.
Giai đoạn đầu mới triển khai, tháng nào trong các nghị quyết sản xuất của Chi bộ thôn 7 cũng đều tập trung vào vấn đề của cây chè, bàn cách làm thế nào để thu hút nhân dân quay trở lại với nghề truyền thống. Từng đảng viên của Chi bộ được giao nhiệm vụ cụ thể, chịu trách nhiệm từng khu trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mỗi người dân của thôn; giao cho các đoàn thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, vào cuộc cùng đoàn viên, hội viên tìm hướng đi đúng cho cây chè.
Từ thực tế địa phương và định hướng sát sao của huyện, Chi bộ đã nhận định rõ: Giống chè đang được trồng tại địa phương đều là loại trung du lá nhỏ, có những hạn chế nhất định, năng suất thấp, giá thành rẻ. Vậy thì chỉ còn cách mạnh dạn đổi mới, chuyển đổi giống chè tốt hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để tăng giá trị sản phẩm. Hơn nữa, khi đã ra sản phẩm, phải có địa chỉ thu mua ổn định, tức là cần có sự vào cuộc của đồng thời cả “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông.
Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mỗi đảng viên trong Chi bộ thôn 7, xã Quảng Long, đều gương mẫu cùng gia đình cam kết không trồng keo để không ảnh hưởng chất lượng đất, thực hiện chuyển đổi giống chè.
Bà Phạm Thị Lởi, Phó Bí thư Chi bộ thôn 7, kể lại: “Khi mới bắt đầu, thôn đã cử hơn 20 người từ đại diện các hộ gia đình đi tham gia các lớp tập huấn của huyện tổ chức về quy trình VietGap trên cây chè. Sau đó thì vào việc luôn, cả thôn quyết tâm cùng nhau chuyển đổi giống chè cũ sang giống chè mới Ngọc Thúy. Sau 2 năm đã thấy rõ hiệu quả: Mỗi tháng thu hái một lần, chè trung du 1.000m2 chỉ cho 3 tạ chè tươi, mỗi tạ bán được 600.000 đồng. Còn chè Ngọc Thúy thì cũng với diện tích như vậy có thể thu về 4 tạ chè tươi, còn được giá hơn hẳn do chất lượng tốt hơn, lên đến 900.000 đồng/tạ”.
Để nâng cao năng suất, nhiều gia đình đã đầu tư máy nhổ cỏ, máy tỉa cành, máy hái... “Hái bằng máy năng suất hơn nhiều, hái tay một buổi sáng chỉ được 40-50kg, hái máy 1 giờ được 2-3 tạ” - bác Xuyên, một đảng viên lão thành chia sẻ. Hơn nữa, nhờ xây dựng Nông thôn mới, đường sá được bê tông hóa, phương tiện đi lại thuận lợi đã hỗ trợ rất nhiều cho việc trồng chè. Người nông dân không cần đi bộ cả tiếng đồng hồ để vào vườn chè của mình nữa, mà chỉ cần vài phút đi xe máy vào tận nơi. Những chuyến xe hàng vào thu mua chè cũng ngày càng thêm tấp nập.
Cùng mô hình làm chè theo quy trình VietGAP, thôn 7, xã Quảng Long còn được đánh giá cao trong việc vận động thành lập Tổ sản xuất chè chất lượng cao. Năm 2018, sau khi được Chi bộ thôn đến vận động, tuyên truyền về việc tham gia Đề án của huyện, anh Lê Văn Thắng cùng với em ruột là Lê Văn Tuân là những người đầu tiên đứng ra nhận trách nhiệm, mời thêm 8 hộ nữa trong thôn lập Tổ sản xuất chè chất lượng cao. Giai đoạn đầu, ngoài đi tập huấn trong tỉnh, họ còn tự bỏ tiền túi để đi học các mô hình ở Thái Nguyên, Phú Thọ... nhằm tham khảo kinh nghiệm hay về kỹ thuật trồng chè.
Anh Lê Văn Thắng chia sẻ: Sau dịp đi các nơi học hỏi, chúng tôi được giới thiệu về giống chè Hương Bắc Sơn và quyết định thử nghiệm. Thời gian đầu quả thực rất nhiều khó khăn, áp lực. Bởi việc làm đất, mua giống cây, đầu tư phân... đều rất tốn kém; chăm bón giống này khó hơn các giống khác, phân phải là phân vi sinh, phân hữu cơ mới đạt được đúng hương thơm cần có, bón đạm nước sẽ đắng ngắt ngay. Nếu không thành công thì coi như mất trắng. Anh em tôi đã nghe không ít những lời gièm pha rằng “ném tiền qua cửa sổ”. Nhưng được sự ủng hộ của gia đình, hỗ trợ một phần từ Dự án của huyện nên chúng tôi càng quyết tâm làm.
Giờ đây, sau 3 năm chăm sóc chè mới được hái bói và “cây không phụ lòng người”. Từng luống chè hợp đất mơn mởn xanh, năng suất dù không bằng Ngọc Thúy, đổi lại chè tươi có thể để trong vòng 10 tiếng mới đưa vào sao sấy vẫn đảm bảo mùi hương lại thấy vững tâm. Một ha chè làm trong 9 tháng đã cho thu về 50-60 triệu đồng. Khi đủ 5 năm trở lên, cây chè sẽ cho sản lượng gấp 3 lần, lúc đó mỗi năm có thể đạt 160-170 triệu/ha. Chè cành bán lẻ chỉ 70-80.000 đồng/kg, Ngọc Thúy được 130-150.000 đồng/kg, Hương Bắc Sơn thấp nhất cũng được 350.000 đồng/kg mà không đủ bán. Khách nào cũng ưa chuộng vì chè có nước đậm màu, hương thơm sâu.
Đến nay, hầu hết các sản phẩm chè của thôn 7 đã cùng chè của xã Quảng Long được giới thiệu, không chỉ bán trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ở Hải Dương, Hưng Yên và một số tỉnh phía Nam. Anh Dương Thế Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 7, phấn khởi: “Chi bộ vừa sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết khôi phục vùng chè. Giờ cả thôn 141 hộ thì đã có 136 hộ quay lại với cây chè và giàu lên từ chè. Chè trở thành sản phẩm OCOP của thôn, người Hải Hà và cả du khách ở xa cũng đều là khách hàng thân thiết của các xưởng chè của thôn 7 chúng tôi!”
Phạm Hà (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hải Hà)
Liên kết website
Ý kiến ()