Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 01:01 (GMT +7)
Sai lầm khi rửa rau sống bằng nước muối
Thứ 5, 17/10/2024 | 10:13:46 [GMT +7] A A
Ăn rau sống là sở thích của nhiều người trong bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên, ngâm rau sống trong nước muối không mang lại hiệu quả làm sạch như mong muốn.
Rau sống là sở thích của nhiều người bởi sự tươi ngon, dễ làm, nhanh gọn. Các món ăn kết hợp cùng rau sống là giải pháp chống ngán khi mâm cơm có nhiều chất đạm, mỡ.
Nhiều món ăn Việt Nam không thể thiếu rau sống ăn kèm như: nem rán, bún chả, bún ốc, bún riêu... Mặt khác, nhiều người cho rằng, ăn rau còn sống giúp đảm bảo đủ lượng vitamin, chất xơ nếu trong bữa ăn không có rau.
Tuy nhiên, thói quen ăn rau sống cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán và ngộ độc thực phẩm. Phần lớn là do người trồng rau thường dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip…
Ngoài ra, nếu người trồng sau khi phun thuốc trừ sâu lại cách ly và thu hoạch không đúng quy định cũng khiến rau, củ, quả còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật khi đến tay người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
Để bảo vệ sức khoẻ, nhiều người đã lựa chọn cách ngâm rau, củ, quả vào muối trước khi sử dụng. Bởi họ cho rằng, muối là một trong những chất có tính sát khuẩn tự nhiên mạnh, lại thân thiện với sức khỏe con người. Trên thị trường có nhiều loại dung dịch được quảng cáo là có khả năng làm sạch rau, củ, quả. Sau khi ngâm, không cần rửa lại có thể ăn trực tiếp, nhưng do quan niệm đó vẫn là hoá chất, không phải chất tự nhiên, nên nhiều người vẫn e dè.
Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định việc rửa rau bằng muối này giúp loại bỏ được ký sinh trùng và hóa chất tồn dư. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội), nếu ngâm rau với nước muối quá lâu còn làm rau dập nát, mất đi các vitamin, khoáng chất.
Hơn nữa, khi rau được ngâm trong nước muối vô tình làm tăng hàm lượng muối đưa vào cơ thể, về lâu dài không tốt cho tim mạch, gây tăng huyết áp.
Để rửa rau đúng cách, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lời khuyên: nên rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh để loại bỏ hóa chất tồn dư, ký sinh trùng, trứng giun sán bám trên rau. Đặc biệt lưu ý, khi rửa rau, nên rửa lần lượt từng lá dưới vòi nước chảy mạnh.
Cách phòng nhiễm ký sinh trùng từ rau sống: tốt nhất không nên ăn rau sống, nhất là khi đi ăn ở hàng quán, hay những quán ăn vỉa hè bị hạn chế về nguồn nước sạch và không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, tốt nhất với rau củ quả khi mua về, đem nhặt sạch sau đó rửa bằng nước sạch nhiều lần. Nên rửa khoảng 4 - 5 lần nước sạch. Luôn rửa rau trong chậu đầy nước, giúp loại bỏ đất cát bám trên đó dễ dàng. Sau đó, rửa từng lá dưới vòi nước chảy nhiều lần sẽ hữu ích cho việc rửa trôi bụi bẩn, ký sinh trùng và hóa chất.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()