Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:12 (GMT +7)
Sản phẩm OCOP lên ngôi
Thứ 5, 02/03/2017 | 06:25:12 [GMT +7] A A
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự lên ngôi của sản phẩm OCOP thời gian qua đó là sức hút của các sản phẩm tại hội chợ. Tại các kỳ hội chợ đều thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách tới tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng của các địa phương đạt hàng chục tới hàng trăm triệu đồng; hàng hoá có sức tiêu thụ lớn, thậm chí không ít các sản phẩm “cháy hàng”. Đơn cử năm 2015, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức Hội chợ OCOP, ngay lập tức đã được người dân và du khách đánh giá cao. Trong 7 ngày diễn ra (từ 26-4 đến 2-5), Hội chợ đã thu hút trên 50.300 lượt khách đến mua sắm với tổng doanh thu bán hàng của 14 địa phương đạt trên 3,5 tỷ đồng. Liên tiếp các kỳ hội chợ sau đó, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đều hút khách; Hội chợ năm 2017 có 66.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm với doanh thu bán hàng của các địa phương đạt 4,5 tỷ đồng. Như vậy, so với lần đầu tiên tổ chức, số lượt khách tới tham quan, mua sắm tại hội chợ OCOP năm nay đã tăng 15.700 lượt, doanh thu bán hàng tăng 1 tỷ đồng. Không chỉ tại các kỳ hội chợ, mà tại các điểm bán hàng và trung tâm OCOP cũng thường xuyên thu hút được đông đảo người dân tới mua sắm. Nhiều người dân cho biết: Ngoài các kỳ hội chợ, họ thường xuyên mua sắm các sản phẩm OCOP của địa phương tại điểm bán hàng của Công ty CP Đầu tư Song Hành Quảng Ninh và các điểm giới thiệu sản phẩm của địa phương. Việc lựa chọn sản phẩm OCOP đem lại cho khách hàng sự yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.
Các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017 luôn thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, mua sắm. |
Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường trong và ngoài tỉnh, bằng việc doanh thu của các sản phẩm OCOP không ngừng tăng. Đơn cử như sản phẩm vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí), từ cuối năm 2013 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể. TP Uông Bí đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tuyên truyền các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ in ấn bao bì, mở rộng diện tích trồng, từng bước thực hiện theo mô hình VietGAP. Nhờ vậy, cây vải phát triển tốt, quả vải chín đều, đẹp, chất lượng, nên giá bán cao và ổn định từ 30.000-35.000 đồng/kg. Năm 2014, sản lượng vải chín sớm Phương Nam đạt 610 tấn, doanh thu trên 19 tỷ đồng; đến năm 2016 sản lượng đạt trên 1.500 tấn, doanh thu trên 52 tỷ đồng...
Bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tích cực quảng bá, các sản phẩm OCOP của tỉnh đang từng bước vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Đơn cử như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, đơn vị đi tiên phong trong việc khôi phục sản xuất, phát triển sản phẩm miến dong Bình Liêu, cũng là đơn vị sản xuất miến dong lớn nhất huyện với công suất trên 12.000 tấn củ/năm. Hiện sản phẩm miến dong Bình Liêu của Công ty không chỉ có mặt ở hầu hết các trung tâm OCOP, đại lý, cửa hàng trong tỉnh, mà còn thường xuyên cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... với sản lượng tiêu thụ bình quân 500 tấn/năm. Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh là đơn vị duy nhất có 2 sản phẩm (ruốc hàu Thái Bình Dương; ruốc cơ trai) được trao giấy chứng nhận xếp hạng 5 sao. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, hiện 2 sản phẩm ruốc này của Công ty đã có mặt tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và 18 tỉnh, thành khác trong nước với sản lượng tiêu thụ bình quân 3.000 lọ/tháng. Đáng chú ý, sản phẩm của Công ty hiện được phân phối tại chuỗi các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hà Nội. Những ví dụ nêu trên đã cho thấy các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đang dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()