Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:15 (GMT +7)
Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Thứ 3, 30/11/2021 | 18:51:59 [GMT +7] A A
Chiều 30/11, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm thông qua Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Quyết định 1964/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng đã trình bày tóm tắt dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022 với 34 nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2022 và 53 chỉ tiêu định lượng đến năm 2025. Đồng thời đề xuất 5 nội dung chính sách phục vụ chuyển đổi số quốc gia, gồm: Chính sách đào tạo, đào tạo lại nhân lực; chính sách phân bổ kinh phí và quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; chính sách kiện toàn tổ chức, bộ máy, mạng lưới đến cấp cơ sở; chính sách dữ liệu.
Cũng tại phiên họp thứ nhất, các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề nhằm làm rõ các nội dung trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Tham luận tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, chuyển đổi số toàn diện để hướng đến chính quyền số được Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành nghiên cứu xây dựng Đề án và dự kiến ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ngay trong tháng 12/2021 với ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, trên cơ sở dự thảo Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025 với nội dung và hình thức truyền thông đồng bộ, toàn diện, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về chương trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh…
Về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022, tỉnh Quảng Ninh mong muốn Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách để các tỉnh cũng như các địa phương có căn cứ, chủ động kế hoạch thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; ban hành các quy định, các cơ chế, chính sách tạo môi trường, hỗ trợ hình thành, đầu tư và phát triển các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp chuyển đổi số... Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn sẽ được hỗ trợ, lựa chọn tham gia thí điểm các chương trình mục tiêu, kế hoạch, đề án phục vụ chuyển đổi số do Bộ chủ trì phù hợp với mục tiêu, nội dung định hướng chuyển đổi số của tỉnh...
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Để thực hiện thành công, chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với thực tế và đem lại hiệu quả thực tiễn; đồng thời phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của chuyển đổi số. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề, như: Đầu tư thỏa đáng để hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ; thúc đẩy hợp tác công – tư trong chuyển đổi số dựa trên quan điểm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và phát huy mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho 3 trụ cột của chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức và tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện và đúc rút kinh nghiệm.
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lưu ý, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội; mối quan hệ giữa phát triển công nghệ và cải cách hành chính; phát huy vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện liên thông cơ sở dữ liệu; nhanh chóng xây dựng và triển khai chương trình phát triển công dân số quốc gia; tích cực hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương, bộ, ngành và hợp tác quốc tế rộng rãi…
Về Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề nghị tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trên cơ sở phân bổ nguồn lực hợp lý, phù hợp với thực tế và đạt hiệu quả cao. Trước mắt cần tập trung vào một số vấn đề chính, như: Xây dựng, kết nối, quản lý và khai thác đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu Quốc gia; phổ cập điện thoại thông minh, cáp quang băng thông rộng, danh tính số, an toàn thông tin mạng, hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy toàn diện các phương thức thanh toán số và thương mại điện tử; quy hoạch đô thị thông minh…
Minh Hà
- Từng bước hình thành nền kinh tế số
- Quảng Ninh - Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số
- Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác phát triển chuyển đổi số ở Việt Nam
- Động lực quan trọng xây dựng thành phố thông minh
- Quảng Ninh đứng thứ 4 bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2020
- Chính phủ Việt Nam nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia
- TP Hạ Long: Hội thảo chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị, cộng đồng
- Đầu tư chuyển đổi số để phát triển du lịch nông thôn
Liên kết website
Ý kiến ()