Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:22 (GMT +7)
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thứ 4, 23/02/2022 | 13:48:31 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) và các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện 49 mô hình; 199 lớp tập huấn, đào tạo cho gần 7.700 người tham gia. Trong đó, một số mô hình, dự án được địa phương đánh giá có hiệu quả, như mô hình sản xuất ổi VietGAP được triển khai tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) từ tháng 2/2021 với 45 hộ trên diện tích 9ha. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, từ năm thứ 3 trở đi, mô hình đã cho thu hoạch từ 40 tấn/ha/năm trở lên, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg. Doanh thu trên 600 triệu đồng/ha/năm, gần gấp đôi so với ổi thường. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất còn được đơn vị kiểm nghiệm đánh giá, cấp chứng nhận VietGAP và hỗ trợ 6.000 tem truy xuất nguồn gốc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cung cấp ra thị trường. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hay như mô hình ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất thanh long với quy mô 1.000 bóng đèn LED/ha tại TP Uông Bí đã góp phần nâng cao năng suất, đem lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân.
Ông Đoàn Quang Ngọc ở khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí chia sẻ: Sau 2 tháng rưỡi lắp đèn, cây thanh long đã cho tăng 2 lứa quả, trong khi những cây không có đèn thì không ra hoa. Nhờ vậy, năng suất với vụ muộn kéo dài thêm 5,5 tấn/ha, doanh thu đạt gần 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 80 triệu đồng. Với đà này, nếu đầu tư lắp đèn, dự kiến cây thanh long sẽ cho thu hoạch 4 lứa/năm, gồm 2 lứa sớm và 2 lứa muộn. Khả năng có thể thu hồi vốn ngay năm đầu tiên và từ năm thứ 2 trở đi sẽ cho doanh thu cao hơn từ 100-200 triệu đồng/ha/năm so với diện tích không sử dụng chiếu sáng bổ sung.
Thực tế, nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân và được ứng dụng rộng rãi. Tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi bò sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thông qua việc ứng dụng giống bò có tầm vóc, trọng lượng cơ thể lớn và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giúp cải tạo chất lượng đàn bò địa phương.
Ngoài ra, còn có các dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng sản xuất rươi tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên. Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Semi-Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại TX Quảng Yên giúp quản lý các yếu tố môi trường, dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đây được đánh giá là mô hình tiên tiến, hiệu quả cao có khả năng ứng dụng phát triển mở rộng trong các vùng nuôi tôm tại Quảng Ninh...
Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng một số mô hình vẫn chưa được nhân rộng do khó khăn về nguồn lực. Cụ thể, việc xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh 4.0, quy mô lớn còn khó khăn do nguồn vốn hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế nên chưa phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tích cực nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng những mô hình hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông, xây dựng các chính sách hỗ trợ, huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, tập trung xây dựng các mô hình, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có tính giai đoạn, quy mô lớn gắn với các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh 4.0, các dây chuyền sản xuất, sơ chế, bảo quản,... phát huy tối đa hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa.
Hoàng Quỳnh
- Nông nghiệp Việt Nam: Nắm bắt thời cơ để bứt phá sau đại dịch
- Tăng cường các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi
- Những "hạt nhân" của số hóa nông nghiệp
- Đẩy mạnh tái cơ cấu để nông nghiệp đáp ứng yêu cầu mới
- Phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, hiệu quả
- TX Đông Triều: Phát triển nông nghiệp đô thị
Liên kết website
Ý kiến ()