Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:53 (GMT +7)
Sớm ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chủ nhật, 20/08/2023 | 10:03:18 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tại thành phố Móng Cái, thành phố Hạ Long kiến nghị: “Đề nghị Bộ Tài chính sớm phê duyệt Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Lý do: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 (thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP...). Tuy nhiên Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành, do đó địa phương chưa triển khai được nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo Luật DNNVV, ngoài nội dung về hỗ trợ đào tạo”.
Bộ Tài chính xin trả lời như sau:
1. Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV:
Tại điểm e khoản 1 Điều 28 quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “e) Chủ trì hướng dẫn các nội dung hoạt động hỗ trợ về công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định này”.
Tại điểm b khoản 2 Điều 28 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính: “b) Chủ trì hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chỉ thường xuyên hỗ trợ DNNVV...; kinh phí quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định này”.
Như vậy, cơ sở để Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và những hướng dẫn về nội dung hoạt động hỗ trợ, nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV tại Thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022).
2. Những nội dung mà Bộ Tài chính được giao hướng dẫn khá rộng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (khoa học và công nghệ, tư vấn, đào tạo, thông tin...); cơ chế thực hiện theo từng nội dung hỗ trợ cũng có sự riêng biệt, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành quy định về chế độ chi tiêu ngân sách; đồng thời phải căn cứ vào những nội dung hướng dẫn trong Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, việc xây dựng Thông tư của Bộ Tài chính cần rất nhiều thời gian rà soát, nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến, khảo sát thực tế và họp trao đổi nhằm làm rõ các nội dung hướng dẫn (Bộ Tài chính đã giới thiệu và lấy ý kiến dự thảo Thông tư tại hai cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; có hai công văn số 8802/BTC-TCDN ngày 6/9/2022 và số 10127/BTC-TCDN ngày 5/10/2022 gửi các Bộ, địa phương và đăng tải lên cổng thông tin điện tử Chính phủ, website Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan, tô chức, cá nhân; tổ chức 4 đoàn khảo sát tại một số địa phương và nhiều buổi làm việc, trao đổi trực tiếp với các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Thông tư...).
Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình xây dựng Thông tư theo quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Thông tư này đang được xem xét để ký ban hành và đây là một trong các cơ sở pháp lý để các đơn vị, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV theo kế hoạch nhiệm vụ được giao.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()