Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:35 (GMT +7)
Sản xuất phục hồi, “sức khỏe” của doanh nghiệp khởi sắc
Thứ 3, 08/08/2023 | 11:01:20 [GMT +7] A A
Sản xuất kinh doanh tháng 7 tốt hơn so với tháng 6 và so với cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực phản ánh sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc.
Việt Nam đã đi qua tháng đầu tiên của quý III với tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tuy vậy, tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng tiếp tục ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước.
Cụ thể, sản xuất kinh doanh tháng 7 tốt hơn so với tháng 6 và so với cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực phản ánh sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc. Điều này có thể thấy qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn nhiều số doanh nghiệp tạm rút lui khỏi thị trường.
Trong 7 tháng, 131.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong khi 113.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Công ty Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường chuyên sản xuất kết cấu thép, phục vụ việc xây lắp các nhà xưởng công nghiệp. Sản lượng sản xuất trong tháng 7 vừa qua đã tăng gần 20% so với trung bình của các tháng trong quý I.
"Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước đã tăng việc đầu tư nhà xưởng trong nước ở Việt Nam. Nhu cầu về thép đã tăng hơn so với đầu năm. Do đó những doanh nghiệp như chúng tôi cũng tăng được đơn hàng", ông Dương Tiến Sang, Công ty Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường, cho biết.
Trong quý I, nhà xưởng chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất, tới hiện tại, công suất đã tăng lên khoảng 70 - 80%. Doanh nghiệp kỳ vọng từ nay tới cuối năm có thể vận hành được 100% công suất nhà xưởng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 vừa qua cũng đã tăng gần 4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp tạm rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện. Những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp từ hỗ trợ về nguồn vốn, miễn giảm thuế phí, cho tới cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực.
"7 tháng đầu năm tổng số doanh nghiệp gia nhập thị thường gấp 1,2 lần so với số rút lui khỏi thị trường. So với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 2,4% và tổng số vốn đăng ký mới là tăng 4,3% cho thấy tín hiệu rất tích cực đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp", ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay.
"Có được được tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ đảm bảo được công ăn việc làm, đảm bảo thu ngân sách, đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và bền vững của nền kinh tế. Thời gian tới làm sao giảm thiểu được số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp rời khỏi thị trường bởi những khó khăn về vốn, bất cập về thủ tục hành chính",ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Dịch vụ trợ lực cho tăng trưởng kinh tế
Trong nửa đầu năm nay, khu vực dịch vụ tăng trưởng trên 6,3% và trở thành một trong những nhân tố chính đóng góp tới trên 3 điểm % vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP.
Các lĩnh vực tăng trưởng cao trong 7 tháng qua là: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải hành khách, nhất là khách du lịch đến Việt Nam tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ. Các nhân tố này sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Từ giữa tháng 8 này, Quốc hội nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Đón đầu cơ hội, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã mở mới thêm các sản phẩm trải nghiệm theo yêu cầu đặc biệt để khách quốc tế có thể tăng chi tiêu tại Việt Nam.
"Riêng đối với khách quốc tế đến Việt Nam, khả năng chi trả của khách tăng trung bình khoảng 20%", ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho hay.
Hội đồng Tư vấn Du lịch dự báo, du lịch Việt Nam năm nay sẽ vượt kế hoạch, đón được hơn 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế nếu có thêm những lực đẩy mới.
"Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi. Sau đó các bộ, ngành khác dựa trên điều chỉnh này có điều chỉnh giúp cho ngành du lịch ví dụ như tăng công suất một số sân bay quốc tế, hoặc cải thiện giao thông đường bộ", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch, nhận định.
Cuối năm cũng là mùa mua sắm lớn nhất, nên nhiều chương trình kích cầu đã sẵn sàng để ngành công thương có thể đạt mục tiêu tăng trưởng trên 9% năm nay.
"Xúc tiến thương mại là một hoạt động Bộ Công Thương coi là giải pháp hết sức quan trọng để triển khai hoạt động kích cầu trong nước như Chính phủ giao tại Nghị quyết 105. Chúng tôi sẽ tổ chức những tháng khuyến mại tập trung quốc gia, các hoạt động kết nối cung cầu...", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thông tin.
Tổng cục Thống kê mới đây đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng cho cả năm nay với tốc độ tăng trưởng 5%; 5,5% và 6%; trong đó, khu vực dịch vụ nửa cuối năm được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao hơn khi đạt từ 6,3 - 7,5%.
"Dịch vụ được kỳ vọng là khu vực dẫn dắt tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Theo kịch bản của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 5 - 6%. Trong đó khu vực dịch vụ sẽ đóng góp khoảng 7%", bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho hay.
Mặc dù đã có những bước phát triển khả quan, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn có thể có những đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế, nếu như trong thời gian tới các lĩnh vực như vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng và dịch vụ lưu trú ăn uống phát huy hơn nữa các dư địa của mình.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()