Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:23 (GMT +7)
Sớm có phương án xử lý phao xốp sau thay thế
Thứ 3, 12/04/2022 | 10:47:06 [GMT +7] A A
Việc dừng sử dụng phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) để chuyển sang vật liệu nổi HDPE đang được đẩy mạnh thực hiện trong toàn tỉnh. Từ đó cũng đã đặt ra yêu cầu về việc phải có phương án xử lý khối lượng phao xốp khổng lồ sẽ thải ra sau khi đã được thay thế.
Huyện Vân Đồn có khoảng 5.000ha mặt nước NTTS với gần 1.400 đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện nay 70% các cơ sở trên địa bàn đều đã được quán triệt và thực hiện theo phương án sử dụng phao nhựa HDPE cho các lồng bè, thay vì dùng phao xốp như cách làm cũ. Mục tiêu mà địa phương đặt ra đến hết năm 2022 sẽ đạt 100% cơ sở thực hiện được việc chuyển đổi như yêu cầu.
Được biết, đa phần các hộ dân, doanh nghiệp NTTS trên địa bàn huyện đã sớm được tiếp cận với vật liệu HDPE nhờ có dự án thí điểm sử dụng vật liệu thân thiện môi trường của tỉnh triển khai từ năm 2015. Do đó, quá trình tuyên truyền, vận động các hộ NTTS, cơ sở sản xuất đồng thuận thực hiện chủ trương chung hiện nay khá thuận lợi. Có thể kể đến những cơ sở đang đi đầu trong triển khai thực hiện việc chuyển đổi sang sử dụng phao nổi bằng vật liệu HDPE thay cho phao xốp, như: HTX Phất Cờ (xã Hạ Long), HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh (xã Bình Dân), Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (xã Thắng Lợi)...
Tuy nhiên, dù công tác thay thế phao nổi cho các lồng bè NTTS trên vùng biển Vân Đồn đang được tích cực triển khai, thì phương án cụ thể về việc xử lý các phao xốp bị loại bỏ sau thay thế vẫn chưa có. Hiện nay, toàn bộ phao xốp được tháo dỡ thuộc địa bàn xã, thị trấn nào thì sẽ được đưa về một điểm tập kết chung mà địa phương bố trí sẵn.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, chỉ đạo chung về việc xử lý phao xốp là phải đáp ứng được mục tiêu bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm. Nội dung này đã được nghiên cứu, đưa vào trong đề án của huyện về bảo vệ môi trường vùng vịnh Bái Tử Long trong thời gian tới. Còn hiện nay, mới chỉ có một số đơn vị trên địa bàn có đề xuất ý tưởng về việc tái chế xốp thành các dạng vật liệu khác phục vụ cho xây dựng... Nhưng do số lượng phao xốp tập kết về chưa nhiều, nên chưa có đơn vị nào đứng ra đảm nhận công tác xử lý.
Tìm hiểu tại huyện Đầm Hà được biết, phao xốp sau khi được thay thế từ lồng bè NTTS của các xã ven biển như Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập... cũng chưa có phương án xử lý cụ thể, hiện đều được đưa về các bãi tập kết trên bờ. Điều này khiến nhiều người dân bày tỏ ý kiến lo ngại. Bà Phạm Thị Tiên (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chia sẻ: Việc dừng sử dụng phao xốp rõ ràng là hạn chế được việc phát sinh lượng lớn rác thải ra môi trường tự nhiên. Về lâu dài, người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này. Tuy nhiên, nếu không có hướng xử lý cụ thể, kịp thời, mà bất đắc dĩ phải hình thành nên những bãi rác thải xốp trên bờ biển thì trước hết là làm xấu đi diện mạo nông thôn. Đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm khác tới môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân trong khu vực.
Khi triển khai việc chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE trong hoạt động NTTS, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặt ra yêu cầu sớm có phương án xử lý phù hợp, dứt điểm. Bởi thực tế cho thấy việc xử lý rác thải xốp không hề đơn giản do đặc tính xốp nhẹ, dễ vỡ vụn nên khó để bảo quản, tái chế thành các loại vật liệu khác. Rác thải là xốp cũng khó bị phân hủy, nên sẽ gây hại cho môi trường đất, nguồn nước khi bị chôn lấp tùy tiện; nếu đốt sẽ sinh ra khí độc hại bay ra môi trường... Do đó, rất cần sớm có những chỉ đạo, giải pháp phù hợp, cụ thể của tỉnh và ngành TN&MT để đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên mà tỉnh đã đề ra.
Ngày 31/8/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND "Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh". Ngày 21/05/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND "Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại Quảng Ninh". Theo đó, lộ trình thực hiện chuyển đổi sẽ sớm hơn 1 năm so với lộ trình ban đầu đã được ban hành theo Quyết định số 31.
Đây được coi là giải pháp mạnh tay của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS.
|
Liên kết website
Ý kiến ()