Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:10 (GMT +7)
Sớm khắc phục những hạn chế trong xét xử các vụ án
Thứ 4, 16/07/2014 | 06:38:11 [GMT +7] A A
Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc giám sát “về công tác xét xử các vụ án có bản án, quyết định huỷ, sửa của TAND hai cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Thời điểm giám sát từ ngày 1-1-2011 đến 31-3-2014. Kết quả giám sát cho thấy TAND hai cấp tỉnh, huyện đã thụ lý 16.292 vụ án các loại và đã giải quyết 14.144 vụ. Trong đó, án hình sự thụ lý 6.479 vụ, giải quyết 5.965 vụ; án dân sự thụ lý 1.256 vụ, đã giải quyết 901 vụ; án hôn nhân và gia đình thụ lý 7.814 vụ, đã giải quyết 6.819 vụ; án lao động thụ lý 30 vụ, đã giải quyết 20 vụ; án kinh doanh thương mại và tuyên bố phá sản thụ lý 360 vụ, đã giải quyết 257 vụ; án hành chính thụ lý 353 vụ, đã giải quyết 182 vụ. Số bản án kháng nghị trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính cũng được TAND hai cấp triển khai có hiệu quả.
Toà án Nhân dân tỉnh. (Ảnh minh hoạ) |
Trong lĩnh vực hình sự, Viện KSND hai cấp tỉnh, huyện đã ban hành 101 kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định của TAND hai cấp. Trong đó, Viện KSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định của TAND tỉnh là 17, đối với cấp huyện là 33. Viện KSND cấp huyện kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện là 51. Ngoài ra, còn có một số vụ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Về dân sự, hôn nhân gia đình, Viện KSND hai cấp đã ban hành 113 kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm. Trong đó, kháng nghị bản án sơ thẩm cấp tỉnh 1 vụ; kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định của TAND cấp huyện 105 vụ; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với án cấp huyện 7 vụ. Về lĩnh vực hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và tuyên bố phá sản, Viện KSND hai cấp đã ban hành 12 kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Về kết quả xét xử các loại án có kháng cáo, kháng nghị, án huỷ, án sửa, đến ngày 31-3-2014, TAND tỉnh và TAND cấp huyện đã giải quyết 14.144 vụ, việc các loại trên tổng số 16.292 vụ, việc đã thụ lý.
Về án hình sự là 5.965 vụ với 10.515 bị cáo, trong đó có 1.031 vụ với 1.459 bị cáo có kháng án, kháng nghị; toà án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm đã xét xử 816 vụ, 1.206 bị cáo. Kết quả là đã tăng hình phạt 48 bị cáo, giảm hình phạt đối với 307 bị cáo; chuyển thành cho hưởng án treo đối với 164 bị cáo và huỷ 24 bản án do cấp sơ thẩm sai.
Về án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, TAND hai cấp đã giải quyết 7.997 vụ việc, có 390 vụ có kháng cáo, kháng nghị, Toà án phúc thẩm đã xét xử 312 vụ. Kết quả, có 41 vụ việc có bản án, quyết định bị huỷ do cấp sơ thẩm sai, 120 vụ bị sửa do cấp sơ thẩm sai.
Về án hành chính, TAND hai cấp đã giải quyết 182 vụ, có 71 vụ có kháng cáo, kháng nghị; toà án phúc thẩm đã giải quyết, xét xử 42 vụ. Kết quả có 10 vụ án có bản án bị huỷ do cấp sơ thẩm sai, 7 vụ có bản án bị sửa do cấp sơ thẩm sai.
Báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh chỉ ra rằng, TAND hai cấp tỉnh, huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, tỷ lệ giải quyết các loại án đều đạt trên 95%, cơ bản đáp ứng yêu cầu của ngành và tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội. TAND tỉnh đã nghiêm túc trong việc xử lý những sai sót, vi phạm của cấp sơ thẩm. Nhiều vụ án lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm đã được TAND tỉnh quan tâm chỉ đạo, khẩn trương nghiên cứu, xét xử, đảm bảo tiến độ và tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức của TAND hai cấp hiện nay đều có phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xét xử thời gian qua của TAND hai cấp tỉnh, huyện. Đó là: Việc xem xét, đánh giá chứng cứ trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như thẩm tra tại phiên toà ở một số vụ án của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, chưa thực sự khách quan. Việc đánh giá vai trò, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm chưa chính xác dẫn đến việc áp dụng hình phạt đối với từng bị cáo không đảm bảo. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong việc quyết định hình phạt chưa đúng với quy định tại Điều 46, 47 của Bộ luật Hình sự. Việc áp dụng pháp luật trong một số vụ án chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo... Trên cơ sở đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử của TAND cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian tới.
Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()