Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:17 (GMT +7)
Tác nhân chính gây ra tình trạng nắng nóng khắc nghiệt và cháy rừng
Thứ 6, 22/07/2022 | 07:42:00 [GMT +7] A A
Nắng nóng cực đoan là một phần của xu hướng toàn cầu liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ, mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là từ hoạt động của con người.
Nắng nóng khắc nghiệt đang hoành hành khắp châu Âu và Mỹ trong tuần này và được dự báo sẽ bao trùm phần lớn các khu vực của Trung Quốc cho tới cuối tháng 8.
Ngoài mức nhiệt vượt 40 độ C, cháy rừng cũng đang lan rộng tại miền Nam châu Âu, buộc Italy và Hy Lạp phải sơ tán người dân tại một số thị trấn.
Nắng nóng cực đoan là một phần của xu hướng toàn cầu liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ, mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là từ hoạt động của con người.
Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng gia tăng cả về cường độ và tần suất. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định tình trạng này đang xảy ra tại phần lớn các lục địa.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng thêm khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đồng nghĩa rằng nhiệt độ có thể tăng cao hơn khi hiện tượng nắng nóng cực đoan xuất hiện.
Việc nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết nóng cực đoan.
Theo nhà khoa học về khí hậu Sonia Seneviratne của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), trung bình tại lục địa, các hiện tượng nắng nóng cực đoan, đáng lẽ chỉ xảy ra 10 năm 1 lần nếu không có tác động của con người đối với khí hậu, nay lại xuất hiện với tần suất cao gấp 3 lần. Nhiệt độ sẽ chỉ ngừng tăng nếu con người ngừng thải ra khí nhà kính vào khí quyển.
Sự thất bại trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu sẽ khiến nắng nóng cực đoan ngày càng nguy hiểm hơn. Mặc dù các nước đã nhất trí với mục tiêu giảm mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5-2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song các chính sách hiện nay không đủ hiệu quả để đáp ứng mục tiêu này.
Theo nhà khoa học Seneviratne, để nhiệt độ Trái Đất tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C đồng nghĩa rằng hầu hết các năm đều sẽ bị ảnh hưởng bởi nóng cực đoan trong tương lai.
Ngoài biến đổi khí hậu, các hiện tượng khác cũng tác động đến nắng nóng. Tại châu Âu, hoàn lưu khí quyển là một nhân tố quan trọng.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature chỉ ra rằng các đợt nắng nóng tại châu Âu đang tăng nhanh gấp 3-4 lần so với những quốc gia thuộc khu vực vĩ độ trung bình ở phía Bắc như Mỹ.
Tác giả nghiên cứu cho rằng xu hướng này có liên quan đến thay đổi về dòng tia (luồng gió thổi cực nhanh từ Tây sang Đông tại Bắc bán cầu).
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu để xác định chính xác biến đổi khí hậu đã tác động như thế nào đến các đợt nắng nóng.
Kể từ năm 2004, hơn 400 nghiên cứu như vậy đã được tiến hành đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, đồng thời đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu trong từng hiện tượng.
Điều này bao gồm mô phỏng khí hậu hiện đại hàng trăm lần và so sánh với các mô phỏng về khí hậu khi không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra.
Trong một ví dụ cụ thể, các nhà khoa học đã kết luận rằng khả năng nắng nóng kỷ lục tại Tây Âu vào tháng 6/2019 xảy ra hiện nay tại Pháp và Hà Lan sẽ tăng 100 lần, nếu như không con người không làm biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu làm tăng tình trạng khô, nóng, góp phần khiến hỏa hoạn lan nhanh, kéo dài và cháy dữ dội hơn. Tại Địa Trung Hải, đây là nguyên nhân khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và tác động nghiêm trọng hơn.
Năm ngoái, hơn nửa triệu hecta đất đã bị thiêu trụi tại Liên minh châu Âu (EU), khiến đây trở thành mùa cháy rừng nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử sau mùa cháy rừng năm 2017.
Thời tiết nóng nực cũng khiến cây cỏ trở nên khô héo, trở thành nhiên liệu khô khiến cháy rừng lan rộng. Các nước như Ba Lan và Hy Lạp thường hứng chịu cháy rừng trong phần lớn các mùa Hè, nên đều có hạ tầng để ứng phó.
Tuy nhiên, nhiệt độ ngày càng tăng cũng khiến cháy rừng lan sang cả những vùng chưa quen với tình trạng này, do đó ít có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời.
Trên thực tế, biến đổi khí hậu không phải là nhân tố duy nhất dẫn đến cháy rừng. Công tác quản lý rừng và các nguồn gây cháy là cũng những nhân tố quan trọng.
Theo số liệu của EU, hơn 90% các vụ cháy trong khu vực là do hoạt động của con người, như phóng hỏa, các dụng cụ nướng thịt dùng một lần, đường dây điện...
Một số quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, đang đối mặt với thách thức suy giảm dân số tại các vùng nông thôn, khi người dân có xu hướng chuyển lên thành phố. Điều này khiến nguồn nhân lực phụ trách dọn cây cỏ - nguồn nhiên liệu góp phần gây cháy rừng - cũng giảm theo.
Mặc dù có một số biện pháp cũng giúp kiểm soát cháy rừng nghiêm trọng, song các nhà khoa học khẳng định nếu không cắt giảm mạnh khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()