Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 03:50 (GMT +7)
Tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ trong bối cảnh mới
Thứ 2, 29/05/2023 | 13:37:56 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó cơ cấu kinh tế đến năm 2025, khu vực dịch vụ từ 46-47%... Trước bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, bám sát các mục tiêu Nghị quyết, tỉnh linh hoạt trong tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ trong bối cảnh mới. Đến nay dịch vụ và thuế sản phẩm đạt 45,5%, tăng 1,16% so với năm 2020.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 kéo dài, đã gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế cũng như đời sống của người dân. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… kéo theo đó hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát tăng cao…
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã liên tục đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, nhận định từ xa, từ sớm mọi tình hình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế địa phương. Để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đầy khó khăn, tỉnh đã quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, giữa vững địa bàn “An toàn- Ổn định - Phát triển”. Trong đó tỉnh xác định phát triển dịch vụ, du lịch tiếp tục giữa vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ phù hợp, nhất là trong bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế trong và sạu đại dịch. Tỉnh đã có những quyết sách đúng đắn, đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm và linh hoạt thích ứng an toàn bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi, hỗ trợ kích cầu, thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển. Tỉnh liên tục tổ chức hàng loạt các hoạt động và đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, thể thao… tầm cỡ quốc gia, quốc tế, như: Chương trình Carnaval, liên hoan ẩm thực, SEA Games 31, Đại hội đồng Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022… Qua đó lan toả mạnh mẽ hình ảnh, mảnh đất, con người Quảng Ninh đến bạn bè, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Du lịch Quảng Ninh đã phục hồi mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã đón 24,18 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 47.050 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 tổng du khách đến Quảng Ninh đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần so với năm 2021. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 Quảng Ninh đón 8,2 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; mục tiêu cả năm 2023 thu hút 15 triệu lượt khách. Theo báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 đối với 15 tỉnh, thành phố theo các nhóm, trụ cột, Quảng Ninh xếp thứ 2 (sau TP Đà Nẵng). Vịnh Hạ Long được chuyên trang du lịch của hãng CNN bình chọn là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới…
Năm 2022 với việc khởi động lại các hoạt động du lịch sau đại dịch, hoạt động trao đổi thương mại nội địa dần phục phục và đạt tăng trưởng khá. Toàn tỉnh có 136 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 142 cửa hàng tiện ích, 25 trung tâm điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP; 6 kho và 218 cửa hàng xăng dầu. So với năm 2020, trên địa bàn tỉnh tăng 3 chợ, 71 cửa hàng tiện ích, 1 cửa hàng xăng dầu.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng năm sau tăng so với năm trước. Năm 2021 tăng 6,1%, năm 2022 tăng 21,4%, dự kiến năm 2023 tăng 18,7%. Thương mại điện tử có bước chuyển biến mạnh, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế số. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 148 website về thương mại điện tử (143 website có chức năng bán hàng, 5 website có chức năng là sàn giao dịch). Tỉnh đã triển khai áp dụng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại tất cả các chợ trên địa bàn TP Hạ Long; thí điểm tại chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố còn lại.
Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông đã hoàn thành đưa vào khai thác, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đi cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Triều (kết nối TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Các hãng tàu vận tải container quốc tế lớn nhất thế giới đã đặt vận tải tuyến cố định tới CICT Cái Lân (TP Hạ Long). Qua đó đã thúc đẩy hoạt động vận tải kho bãi và hoạt động vận tải hàng hóa tăng cao. Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045...
Dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những khó khăn, tỉnh bám sát chỉ tiêu, mục tiêu các nghị quyết và giải pháp phục hồi kinh tế, từ đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ, đóng góp tích cực vào thành quả kinh tế chung của tỉnh.
Nguyễn Huế
- Hơn 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia
- Nghe và cho ý kiến về Đề án “Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045”
- Triển vọng du lịch nông nghiệp
- Mở rộng khai thác thị trường du lịch
- Vân Đồn: Hướng đến trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao
Liên kết website
Ý kiến ()