Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:39 (GMT +7)
Tài nguyên quý cho du lịch
Chủ nhật, 20/09/2020 | 07:28:33 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều tài nguyên cho phát triển du lịch. Bên cạnh các điều kiện tự nhiên như có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới về các giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo; có vịnh Bái Tử Long, những bãi biển dài, thơ mộng; có dải biên cương với những cung đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu hùng vĩ mà thơ mộng… Quảng Ninh còn có kho di sản văn hóa vô giá là tài nguyên quý để du lịch phát triển bền vững.
Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao, tỉnh Quảng Ninh hiện có 613 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 85 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra còn có 361 di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại. 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt là Vịnh Hạ Long (năm 2009), Di tích và danh thắng Yên Tử, Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng (2012), Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (2013) và đền Cửa Ông (2017).
Đáng chú ý, đa phần các di tích lịch sử, văn hoá của Quảng Ninh đều nằm ở những nơi có cảnh quan đẹp, hoặc ven biển, hải đảo như đình Trà Cổ (Móng Cái), đình - đền - miếu Quan Lạn (Vân Đồn), hoặc nơi danh sơn vọng đài như: Yên Tử (Uông Bí), Hồ Thiên, Ngoạ Vân (Đông Triều), núi Bài Thơ (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả)… Vịnh Hạ Long tuy được thế giới hai lần công nhận là di sản về giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo nhưng lại mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá về lịch sử cư trú của người Việt cổ hàng ngàn năm trước, những chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của dân chài.v.v.
Với sự hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, nhất là du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã dành nhiều ngân sách, kêu gọi xã hội hoá, thu hút đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng; đầu tư hạ tầng, dịch vụ, nhất là giao thông kết nối các điểm đến. Ngoài Yên Tử, các di tích chùa Hồ Thiên, chùa Ngoạ Vân trước đây du khách mất cả ngày leo bộ mới tới nơi thì nay đã có hệ thống cáp treo hiện đại.
Hiệu quả thấy rõ là những di tích, danh thắng ở Quảng Ninh ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ở chiều ngược lại, chính du lịch đã tạo ra nguồn lực để thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời, hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân và khách du lịch với di sản. Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ và được chia sẻ đến doanh nghiệp, người dân và một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Du lịch văn hóa, vì vậy là một dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan Trung ương xúc tiến các bước lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy du lịch Quảng Ninh phát triển hơn nữa.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()