Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:09 (GMT +7)
Tầm nhìn Quảng Ninh 2030
Thứ 4, 19/03/2014 | 11:38:31 [GMT +7] A A
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do đơn vị tư vấn nước ngoài hàng đầu của Mỹ là Tập đoàn Mc Kensey lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Theo đó, đến năm 2020 Quảng Ninh sẽ trở thành một nền kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, đến năm 2030 là nền kinh tế dịch vụ - công nghiệp hiện đại với dịch vụ tiên tiến và sản xuất sạch, sản xuất công nghệ cao.
TP Hạ Long được định hướng tiếp tục là trung tâm phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai. Ảnh: Đỗ Giang |
Kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”
Khi đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ tạo được vị thế là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á và tiếp tục là nguồn cung cấp than và nhiệt điện cho cả nước. Quảng Ninh sẽ có một nền kinh tế đa dạng dựa trên 3 trụ cột chính để đảm bảo tăng trưởng vững mạnh trước bối cảnh kinh tế không chắc chắn trong tương lai, và sẽ duy trì vai trò là một trong 3 đầu tàu kinh tế của miền Bắc. Trong đó, các ngành dịch vụ sẽ đóng góp khoảng trên 50% vào tổng GDP, với động lực chính là du lịch, dần chuyển dịch sang các phân khúc khách hàng cao cấp hơn với những dịch vụ phụ trợ như bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tài chính và giáo dục. Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là một trụ cột thứ hai, với 4-5 khu công nghiệp lớn được xây dựng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ các ngành công nghiệp sạch và công nghệ cao như lắp ráp và kiểm định linh kiện điện tử. Khai thác than và sản xuất điện sẽ tiếp tục phát triển, song theo hướng sạch và bền vững hơn, đóng góp khoảng 20% vào GDP toàn tỉnh.
Cầu cảng Cái Rồng - Đầu mối giao thương giữa trung tâm huyện Vân Đồn với các đảo. Ảnh: Khánh Giang |
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” ngoài các trụ cột chính đã được hoạch định thì tiềm năng nổi trội về rừng và biển được định hướng phát triển theo hướng bổ trợ cho nhau. Hiện 64% diện tích tự nhiên của tỉnh là đất rừng, trong đó có 20% là rừng phòng hộ, 4% rừng đặc dụng (hai loại rừng này không cho phép khai thác gỗ) và 40% rừng sản xuất. Dù rằng ngành Lâm nghiệp hiện chỉ đóng góp khoảng 166 tỷ đồng, chiếm 0,4% vào tổng GDP của tỉnh, nhưng việc phát triển kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng chiến lược cho Quảng Ninh do nhiều lợi ích gián tiếp khác. Trong đó về môi trường, rừng giúp nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ đa dạng sinh học, đóng vai trò là nguồn giữ nước, ngăn lũ và chống xói mòn đất, về xã hội, khai thác các loại nông sản là một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân nghèo tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, rừng của Quảng Ninh cũng là một nguồn tiềm năng cho các hoạt động du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế rừng sẽ đảm bảo sự phát triển cân bằng của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Người dân ở các khu vực nông thôn và miền núi sẽ được hưởng lợi từ việc phát triển và chế biến nông - lâm sản, còn ngư dân sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản hiện đại, để đạt nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và tăng thu nhập nói chung.
Để hiện thực hoá
Theo đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, để có thể hiện thực hoá được các ý tưởng đã đặt ra, trong giai đoạn tới tỉnh Quảng Ninh sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp mang tính bắt buộc. Đó là, huy động và sử dụng nguồn nhân lực như thế nào để đến năm 2020 có khoảng 580.000 tỷ đồng đến 600.000 tỷ đồng vốn cho các mục tiêu đầu tư phát triển, tăng tỷ lệ huy động vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 33,6% tổng đầu tư? Nhìn lại quá trình thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian qua thấy rằng, Quảng Ninh đang có những đột phá mạnh mẽ như đã xác định rõ các nhà đầu tư ưu tiên cho các ngành chủ đạo và các dự án mục tiêu, tìm hiểu nhu cầu của họ, cập nhật danh sách các dự án ưu tiên đi kèm với những hướng dẫn về yêu cầu đầu tư, gồm có cả các tiêu chí phê duyệt, cung cấp cho nhà đầu tư tiềm năng hồ sơ đầu tư rõ ràng, đơn giản và hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu về địa điểm. Ngoài đảm bảo đăng ký đầu tư thành công, tỉnh liên tục hỗ trợ để những dự án đầu tư đã cam kết được triển khai trong một khung thời gian nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, như thu hút, đào tạo nhân tài, liên kết với nhà cung ứng tại địa phương, xử lý vướng mắc phát sinh. Cùng với tạo nguồn lực, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khoảng 310.000 việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu việc làm từ các hoạt động nông nghiệp và khai thác khoáng sản sang các ngành dịch vụ và công nghiệp tạo giá trị tăng thêm cao hơn.
Trong bối cảnh, tiến trình phát triển mới, khoa học công nghệ sẽ được đặc biệt chú trọng để bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Theo đó sẽ thu hút các ngành công nghiệp và công đoạn sản xuất giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như: Đầu tư vào các nhà máy lắp ráp và đóng gói hàng điện tử quy mô lớn, mở rộng ngành chế biến thực phẩm để hỗ trợ chăn nuôi lợn và nuôi trồng thuỷ sản ngoài khơi ở quy mô công nghiệp, sản xuất nhiệt điện và khai thác than bằng công nghệ sạch hơn. Các hoạt động sản xuất này yêu cầu công nghệ sạch hơn, năng suất cao hơn và góp phần nâng cao tay nghề kỹ thuật đối với nhân lực địa phương. Đối với các hoạt động kinh tế - xã hội hiện tại sẽ được tăng năng suất và hiệu quả theo hướng phát triển bền vững bằng cách đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ, thay vì tăng lao động cơ học, vốn và tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển lên tầm cao mới, Quảng Ninh sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh khác, vùng khác và quốc gia khác, và đây là một ưu tiên quan trọng để khai thác các lợi thế cạnh tranh của tỉnh và mở rộng thị trường cũng như thu hút đầu tư, chuyên môn và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Ngọc Lan
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có được như: Than đá, đất sét cao lanh, cát thuỷ tinh, đá vôi… Trữ lượng than chiếm 90%; sản lượng nhiệt điện chiếm 15% và xi măng chiếm 12% của cả nước; có hệ thống cảng biển nước sâu; có cửa khẩu quốc tế Móng Cái - là cửa ngõ của Asian và Trung Quốc. Đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; quần thể Vịnh Bái Tử Long với khoảng 600 hòn đảo đất và đảo đá, biệt lập với đất liền có cảnh quan đặc sắc, đa dạng. Đây là những tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội để phát triển các loại hình du lịch, hướng đến phát triển dịch vụ văn hoá - giải trí. |
Liên kết website
Ý kiến ()